Lịch sử Phật giáo Việt Nam kể từ khi truyền nhập phát triển và tồn tại đến ngày nay, đã trải qua chặng đường dài với hơn hai thiên niên kỷ, trong quá trình hình thành và phát triển, mỗi một giai đoạn, một triều đại đều đã để lại những dấu ấn riêng cho sự phát triển của Phật giáo. Trong quá trình phát triển đã hình thành nên một di sản tư liệu liên quan đến Phật giáo qua các thời kỳ khác nhau. Đó không chỉ là kinh sách, mà là hệ thống kiến trúc, mỹ thuật biểu tượng, di văn, di vật, pháp khí… Có thể nói nguồn tư liệu liên quan đến Phật giáo nước ta hết sức phong phú đa dạng, nhiều loại hình mang nhiều giá trị đối với Phật giáo và lịch sử.
Trải qua bao phen binh lửa, thiên tai, sự thay đổi của khí hậu, thời tiết nhiều tư liệu đã bị hư hỏng, mất mát. Nhiều chùa cổ, kinh sách, khoa cúng các tổ, bia đá đã không còn. Chính vì những lý do trên mà cần thiết phải có một trung tâm sưu tầm lại các nguồn tư liệu của Phật giáo, nhằm “cấp cứu” những gì còn lại.
Các nguồn tư liệu về Phật giáo Việt Nam là di sản lịch sử, văn hoá, tín ngưỡng, tâm linh rất quan trọng. Đây là nguồn tài sản tri thức lớn của Việt Nam, chứa đựng nhiều lớp thông tin có giá trị to lớn về văn hóa, tôn giáo, xã hội, tín ngưỡng, văn hiến, lịch sử, kiến trúc… Việc thu thập, lưu trữ bảo tồn và khai thác, phát huy giá trị của khối tư liệu đó sẽ mang lại những lợi ích to lớn trên nhiều phương diện, góp phần vào việc hoằng dương Phật pháp, lưu giữ truyền thống văn hiến và giá trị to lớn của dân tộc.
Thực tế tại Việt Nam hiện nay nếu có thể tập hợp được các nguồn tư liệu liên quan đến Phật giáo để xây dựng một trung tâm quy mô sẽ tạo nên sức mạnh tri thức tổng hợp về Phật giáo Việt Nam. Điều này không chỉ cần thiết cho cộng đồng học giả, các chùa ở trong nước sử dụng thuận tiện mà còn thu hút cộng đồng quốc tế đến khai thác, qua đó góp phần phát triển Phật giáo Việt Nam và ngành tôn giáo học, làm cho thế giới biết nhiều hơn đến Việt Nam.
Trên phương diện khoa học – đào tạo, trung tâm tư liệu tổng hợp nghiên cứu Phật giáo Việt Nam sẽ góp phần tạo dựng hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) cần thiết cho sự phát triển chung của nhiều ngành khoa học, mở mang tri thức học thuật; phục dựng lại một cách khách quan, chân thực vị thế, vai trò của Phật giáo Việt Nam, tính lịch sử, văn hoá, tín ngưỡng, văn học và văn hóa Phật giáo Việt Nam.
Trên phương diện chính trị – xã hội, một trung tâm dữ liệu tổng hợp sẽ đóng góp quan trọng vào công tác hoạch định chính sách và xây dựng chiến lược quốc gia về tôn giáo tín ngưỡng nói chung và Phật giáo nói riêng.”
Trích “Thành lập Trung tâm tư liệu Phật giáo Việt Nam”
Thượng tọa Thích Tiến Đạt – Phó TBT Tạp chí Nghiên cứu Phật học
Tạp chí nghiên cứu Phật học số Tháng 9/2022
Trong quá trình chuyển đổi số, nhiều đơn vị lưu trữ đã bước đầu chuyển sang ứng dụng công nghệ số để thực hiện nhiệm vụ nhanh và hiệu quả. Chính vì vậy, Trung tâm Tư liệu Phật giáo Việt Nam cũng không thể thờ ơ với công nghệ số. Để Phật sự được thành tựu viên mãn, Trung tâm rất mong được chư Tôn Thiền đức, Trụ trì các tự viện, các nhà sưu tập, các gia đình hiện còn bảo lưu được các kinh sách chữ Hán hoặc các nguồn tư liệu liên quan đến văn hóa Phật giáo, văn hóa tín ngưỡng cùng chung tay gìn giữ bằng cả nguồn tư liệu số và tư liệu gốc, làm cho nguồn tư liệu mãi không bị mai một. Một mặt nguồn tài liệu được sưu tầm sẽ được bảo quản vĩnh viễn tại Trung tâm Tư liệu Phật giáo Việt Nam, một mặt số tư liệu này sẽ được xử lý để tiếp tục trùng ấn lưu thông khi cần thiết và cung cấp cho các nhà nghiên cứu để cùng phát huy được nguồn tư liệu này.
Thông qua việc số hóa và ấn tống Kinh sách,tư liệu, Trung tâm mong muốn cùng chung tay với được chư Tôn Thiền đức, Trụ trì các tự viện, các nhà sưu tập để gìn giữ được phần nào nguồn tư liệu quý báu của Phật giáo nước nhà.
Ngoài ra để góp phần duy trì các hoạt động của Trung tâm trong việc xử lý, đầu tư máy móc trang thiết bị phục vụ công tác. Trung tâm có thêm một số dịch vụ như:
- Nghiên cứu các mảng đề tài liên quan đến Phật giáo, tổ chức hội nghị hội thảo, phối hợp nghiên cứu các đề tài khoa học.
- Ấn tống kinh sách, phục chế, trùng ấn, in dập và biên dịch tư liệu Hán Nôm sang quốc ngữ.
- Cung cấp phần mềm in ấn sớ sách, phần mềm gõ chữ Hán, Nôm
- Cung cấp thiết bị bảo quản tư liệu, chống mối mọt, ẩm mốc
- Các dịch vụ trang trí bày biện đàn lễ…..
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Leave a comment