Chùa Hói (Linh Ứng tự) tọa lạc tại làng Cao Dương, thị trấn Gia Lộc, Hải Dương. Đây là ngôi chùa cổ nằm trong quần thể đình chùa nổi tiếng ở xã Gia Khánh, Hải Dương. Chùa do Đại đức Thích Giác Thành trụ trì, hiện nay chùa còn lưu trữ bảo bảo nhiều bộ kinh Phật, sách quý cùng nhiều hiện vật khảo cổ học và dân tộc học có giá trị văn hóa, lịch sử của tiền nhân. Được sự hoan hỷ đồng ý của Đại đức đã cho phép Trung tâm Tư liệu Phật giáo Việt Nam số hóa toàn bộ gần 500 quyển kinh sách để đưa về làm tư liệu cho Trung tâm. Nhân đây, Trung tâm xin được tri ân công đức của Đại đức và xin được giới thiệu đôi lời về chùa Linh Ứng cùng tâm nguyện của Đại đức với nguồn tư liệu Phật giáo.
Bước vào không gian chùa đường đi lối lại được bài trí nhiều hiện vật khảo cổ học có giá trị về văn hóa, lịch sử. Bên trong gian thờ Tổ, xung quanh tường còn có nhiều kệ tủ bảo quản nhiều thư tịch về Hán Nôm, lịch sử, văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng. Sở dĩ chùa có nhiều bộ kinh cổ và hiện vật như vậy là nhờ vào sự dày công sưu tầm gần 30 năm của Đại đức Thích Giác Thành Trụ trì tại chùa Linh Ứng. Với niềm đam mê và trân trọng kinh sách, Đại đức hiện đang lưu giữ và bảo quản hơn 500 quyển kinh sách với nhiều bộ kinh quý như kinh Đại tạng, kinh Diệu Pháp Liên Hoa, kinh Kim Cương, kinh Pháp Hoa, không những Đại đức đàm mê sưu tầm và bảo quản các bộ kinh Phật, sắc phong chữ Hán của cha ông để lại, mà bên cạnh đó còn có nhiều bộ sách sử Việt Nam bằng chữ Hán như Đại Nam quốc sử diễn ca, nhiều bộ kinh sách có niên đại vài trăm năm đến hàng trăm năm…
Có thể kể đến các bộ sách như Thái Tông Hoàng đế ngự chế Khóa hư lục do pháp tràng chùa Yên Ninh Nam Sách, khắc lại năm Canh Tý niên hiệu Minh Mệnh; cuốn Trần triều dật tồn Phật điển lục do Viện Viễn đông bác cổ khắc lại năm Thành Thái thứ 19 (1907), sách gồm Thượng sĩ ngữ lục, Tam tổ thực lục, Thiền đạo yếu học, Bản hạnh ngữ lục; cuốn Ngự chế Thiền điển thống yếu kế đăng lục do Hòa thượng Phúc Điền soạn năm Tự Đức thứ 12 (1859); cuốn Thiền uyển tập anh do đệ tử ngài Thứ Trí trùng san thời Lê năm Vĩnh Thịnh, bản này có đính kèm theo bản Tam tổ thực lục; cuốn Bảo đỉnh hành trì bí chỉ toàn chương do Trúc lâm đệ tam tổ Huyền Quang tôn giả định bản, khắc lại năm Khải Định thứ 3, giữa mùa hè năm Mậu Ngọ, bản ván in lưu tại chùa Viên Ninh, thôn Quang Lãng, xã Cổ Liêu, tổng Khai Thái; cuốn Tam giáo chính độ tập yếu, bản lưu tại chùa Hưng Phúc xã Xuân Lôi, huyện Vũ Giang, Bắc Ninh, khắc in năm Thành Thái thứ 4 (1893); cuốn Phật tổ tam kinh so Sa môn dòng Lâm tế chính tông chùa Hoa Lâm…Và còn rất nhiều các bản kinh sách quý giá khác không thể kể hết trong bài viết này.
Hiện nay nhiều bộ kinh đã có tuổi đời và chịu nhiều ảnh hưởng của khí hậu và điều kiện bảo quản, do đó sắp tới Đại đức sẽ chỉnh lý và bảo quản theo tiêu chuẩn của ngành lưu trữ nhằm giúp kéo dài và bảo quản các bộ kinh sách này.
Bên cạnh đó với mong muốn góp phần bảo quản, lưu giữ các bản kinh Phật cổ và các sách quý đang bảo quản tại chùa Linh Ứng (chùa Hói), Thư viện an vi và Thư viện Huệ Quang đã đến chùa xin được sao chụp số hóa một phần số kinh sách này nhằm công bố rộng rãi những bộ sách ý nghĩa đến với quảng đại bạn đọc.
Ngoài ra Đại đức Thích Giác Thành cũng là người đam mê sưu tầm những hiện vật xưa như đồ gốm, đồ đồng, đồ gỗ, tượng phật đồ đá, đồ tế lễ liên quan đến tôn giáo tín ngưỡng để đưa về trưng bày tại chùa. Những bộ hiện vật quý như gốm Chu Đậu, tượng Phật các thời kỳ, đồ gốm sứ của nhiều vùng thuộc đồng bằng Bắc Bộ, các hiện vật liên quan đến cuộc sống sinh hoạt của người dân xưa.
Bên cạnh đó là niềm say mê nghiên cứu lịch sử các ngôi chùa ở trên địa bàn Hải Dương, nghiên cứu Phật học, tìm hiểu lịch sử văn hóa địa phương. Vì vậy, Đại đức đã sưu tầm nhiều bộ sách quý như Đại Nam thực lục, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ tục biên, Thác bản Văn bia Việt Nam, Tổng tập văn học Việt Nam, các bộ sách chính văn chính sử của triều Nguyễn, cùng với hàng ngàn bộ sách điện tử khác, một phần nữa cũng là để xây dựng một thư viện tại chùa trong thời gian sắp tới.
Với mong muốn gìn giữ và bảo tồn phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của cha ông, bên cạnh đó là xây dựng và phát triển văn hóa đọc cũng như tìm hiểu trưng bày những giá trị của các bộ thư tịch và hiện vật khảo cổ học đã được sưu tầm, bảo quản trong suốt bao năm qua, Đại đức luôn đau đáu trong lòng và mong muốn xây dựng một phòng đọc sách và một tàng kinh các để phục vụ cho người dân và Phật tử, Cư sĩ, học sinh trong địa phương đến đọc sách và tu tập nghiên cứu.
Hy vọng trong thời gian sắp tới chùa Hói (Linh Ứng tự) xây dựng xong thì nhân dân, bà con cư sĩ Phật tử trong vùng sẽ được đến tham quan, những hiện vật và kinh sách, thư tịch mà Đại đức Thích Giác Thành đã dày công sưu tầm, bảo quản trong bao năm qua, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển văn hóa đọc hơn nữa của người dân trên địa bàn thôn, xã ở Cao Dương, Gia Lộc, Hải Dương.
Leave a comment