Công bố tư liệuKinh sách Hán NômMộc bảnSự kiệnThư viện chùa Đại Từ Ân

VÀI NÉT VỀ MOTIF ĐỨC PHẬT THÍCH CA SƠ SINH

Nhân kỷ niệm ngày Đức Phật đản sinh và hướng đến đại lễ Phật đản Phật lịch năm 2567, Trung tâm Tư liệu Phật giáo Việt Nam và chùa Đại Từ Ân  tổ chức triển lãm một số hình ảnh về Đức Phật sơ sinh qua chủ đề “Mùa Sen Nở”. Triển lãm lần này mong muốn giới thiệu những giá trị văn hóa Phật giáo liên quan đến Đức Phật sơ sinh, giúp cho mọi người có thể hiểu thêm về hình tượng Đức Phật Thích Ca Sơ Sinh và ý nghĩa của các pho tượng trong chốn thiền môn và trong kinh sách xưa.

 

Hình ảnh Đức Phật đản sinh 1 tay chỉ trời, 1 tay chỉ đất đã rất quen thuộc với rất nhiều người, mặc dù nhiều hình ảnh tượng pháp của Đức Phật chưa có sự thống nhất về tư thể chỉ tay, vấn đề này cũng chưa có sự lý triệt để thấu đáo.

Về Pháp tượng Đức Phật đản sinh cũng thể hiện rất đa dạng về thụy tướng, dạng thức, chất liệu… Nét khác biệt đó liên quan đến đặc điểm văn hóa, phong tục, tập tục, tín ngưỡng của từng quốc gia, vùng, miền khác nhau; đồng thời qua đó chúng ta phần nào thấy được nét tương đồng dị biệt trong miêu tả sự kiện Đản sinh giữa kinh điển Phật giáo Nguyên thủy và kinh điển Phật giáo Phát triển. Đặc biệt, có một đặc điểm thụy tướng Đức Phật đản sinh được rất nhiều người quan tâm, đó là: khi Đức Thích Ca sinh ra và bước đi 7 bước, mỗi bước đi nở ra bông hoa sen và một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất mà nói rằng “Thiên thượng, thiên hạ, duy ngã độc tôn (Trên trời, dưới trời chỉ có duy nhất mình ta được tôn kính)”.

Theo nghiên cứu của các học giả thì Đức Phật đản sinh được thờ ở các chùa Bắc tông (phổ biến miền Bắc Việt Nam) được tạo hình phổ biến dưới dạng tổ hợp tượng gọi là Thích Ca sơ sinh với tượng Thích Ca là một cậu bé mình trần, mặc váy ngắn hoặc có số ít là dưới dạng y vai trái (mặc áo choàng dài hở vai phải) với một tay chỉ trời, một tay chỉ đất. Toàn bộ pho tượng nhỏ được đặt trong tòa cửu long biểu tượng chín rồng phun nước tắm cho Thích Ca khi mới sinh ra (cửu long phún thủy). So sánh tượng Đản sinh cổ ở một số chùa miền Bắc có thể thấy sự khác nhau như: tay trái chỉ một ngón trỏ lên trời, tay phải cũng với kiểu như vậy song chỉ xuống đất (hình thức của thủ ấn “Thượng phẩm hạ sinh”) hoặc hình thức ngón giữa gập vào ngón cái với một tay đưa lên một tay đưa xuống như thủ ấn “Trung phẩm hạ sinh”, hoặc ngón áp út gập vào ngón cái như thủ ấn “Hạ phẩm hạ sinh”. Ngoài ra, trong thực tế, còn có nhiều dạng thức chỉ tay khác như: một tay chỉ trời bằng 2 ngón trỏ và giữa, một tay buông thõng hướng xuống đất… và phổ biến hơn cả là một tay chỉ trời và một tay chỉ đất theo hình thức kết ấn “Phật pháp bất nhị” (gập hai ngón út và ngón nhẫn lại chạm vào ngón cái, các ngón khác thẳng) với ý nghĩa Phật pháp không có hai, Phật pháp chỉ có một, Phật pháp nhập thế.

Các kinh điển đều cho biết việc Thái tử hạ sinh chỉ tay phải lên trời, tay trái xuống đất cho thấy rằng, việc “chỉ tay trái lên trời, tay phải xuống đất” trong các pháp tượng là thiếu căn cứ, thiếu hẳn tính nhất quán trong các sự kiện tương ứng và không phù hợp với quan niệm “hữu tôn tả ti” (phải là tôn kính, trái là ti tiện) của Ấn Độ cổ.

Những tượng Thích Ca sơ sinh theo chiều dài lịch sử Việt Nam thì hầu hết biểu tượng này hiện còn cũng chỉ có niên đại từ thời Lê Trung Hưng trở lại đây, trong đó, hầu hết các tượng có niên đại sớm (thời Lê Trung Hưng) thì pháp tượng được thể hiện tay trái chỉ trời, tay phải chỉ đất là phổ biến, còn những tượng có niên đại muộn hơn (từ thời Nguyễn) thì pháp tượng với tay phải chỉ trời, tay trái chỉ đất lại phổ biến hơn. Tuy nhiên, về tạo hình mẫu tượng thì cơ bản thống nhất dạng Thích Ca sơ sinh trong tòa cửu long, đặc biệt là trên chất liệu gỗ sơn son thếp vàng. Đến nay, pháp tượng Thích Ca sơ sinh được tạo tác rất phong phú, đa dạng về cả loại hình, kiểu dáng, chất liệu, thế chỉ tay…và được phổ biến trong các ngôi chùa Việt

 

Dưới đây là một số motif hình ảnh về Đức Phật Thích Ca sơ sinh được triển lãm

  1. Bia, đá, 1633, đền Quán Thánh, Hà Nội
  2. Tượng TCSS, đá, TK18, chùa Đậu, Hà Nội
  3. Tượng TCSS – Tòa Cửu Long, gỗ phủ sơn, TK 19, chùa Liên Phái, Hà Nội

 

 

  1. Tượng TCSS, gỗ phủ sơn, TK 19, sưu tầm tư nhân, Phủ Thành Chương
  2. Tượng TCSS, gỗ phủ sơn, TK 19, chùa Đồng Giới, Hải Phòng
  3. Tượng TCSS – Tòa Cửu Long, đồng phủ sơn, TK 19, chùa Đồng Giới, Hải Phòng

 

  1. Tượng TCSS – Tòa Cửu Long, gỗ phủ sơn, TK 19, chùa Thiệu Long, Hà Nội
  2. TCSS – Tòa Cửu Long, gỗ phủ sơn, TK 19, sưu tầm của Đặng Quang Tuấn

 

  1. TCSS – Tòa Cửu Long, gỗ phủ sơn, TK 19, chùa Hòe Nhai, Hà Nội

 

Bài viết có sử dụng hình ảnh tư liệu của tác giả Trần Trung Hiếu, xin cảm ơn tác giả đã cho phép sử dụng hình ảnh.

 

Tài liệu tham khảo

Nguyễn Thị Thu Hoan, Pháp tượng Đức Phật đản sinh (Thích Ca sơ sinh) – Tìm hiểu tư thế chỉ tay của Pháp tượng Đức Phật đản sinh.

 

 

Leave a comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Articles

Protected: Công cụ OCR và phiên dịch

There is no excerpt because this is a protected post.

Bộ tạp chí Đuốc Tuệ

Bộ tạp chí Đuốc Tuệ (Thiếu một vài số, nguồn : http://thuvienphatgiao.com)...

Sách Ebook Phật giáo Nguyên Thủy

Tìm theo tên sách:   Achaan Naeb – Giáo Trình Thiền Minh...