CHÙA LINH ỨNG (CHÙA HÓI)

THÔN CAO DƯƠNG, HUYỆN GIA LỘC, TỈNH HẢI DƯƠNG

 

Nguyễn Văn Thinh

  1. Mở đầu

Làng Cao Dương có từ lâu đời, x­ưa kia có tên gọi là làng Ói hay còn gọi là làng Hói thuộc xã Cao Dương, tổng Hội Xuyên, huyện Gia Lộc. Cách mạng tháng Tám thành công, làng vẫn thuộc xã Cao Dương, đến tháng 8/1948 làng thuộc xã Quốc Tuấn, từ tháng 10/1956 đến nay làng thuộc xã Gia Khánh.

Làng Cao Dương có 5 xóm: Mỹ Long (nay là xóm Đình), Phúc Thọ (nay là xóm Cầu), Trung Tín (nay là xóm Chùa), Đông Am (nay là xóm Am), Cầu Binh (nay là xóm Chợ). Làng có 6 dòng họ, gồm 22 chi tộc. Làng có Đình và chùa, đình thờ Thành hoàng Phả Lại Đại vương. Theo bản kê khai Thần tích Thần sắc kí hiệu TTTS 9346 lưu tại Viện Thông tin Khoa học Xã hội, văn bản này do ông Nguyễn Thế Tạo vâng chép và Trương tuần Hoàng Văn Dũng kí, theo kê khai làng có được nhiều triều ban sắc phong, như: Niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 44 (1784) ban là Đương cảnh Thành hoàng Quang hiển Phả lại Đốc hựu Tuy thành Đại vương;  sắc năm Chiêu Thống năm thứ nhất (1786) ban là Phù Hưu Tích Khánh Hộ Dân Hàm Hoằng Khoan Đại Quáng Bác Đại Vương; sắc năm Minh Mệnh thứ 2 (1821) ban thêm mĩ tự là Bảo An chi thần; sắc năm Thiệu Trị tứ niên (1843) ban thêm là Bảo An Hựu Thiện chi thần; sắc năm Tự Đức tam niên (1850) ban là  Bảo An Hựu Thiện Chính Trực Đôn Ngưng chi thần; sắc năm Tự Đức thứ 33 (1870) ban cho phụng thờ như cũ; sắc năm Đồng Khánh nhị niên (1887) ban là Dực Bảo Trung Hưng chi thần; sắc năm Duy Tân tam niên (1910) ban cho phụng thờ như cũ; sắc năm Khải Định cửu niên (1924) ban là Tĩnh Hậu Trung Đẳng thần.

Chùa Linh Ứng hay còn được gọi là chùa Hói, chùa tọa lạc trên địa bàn thôn Cao Dương, xã Gia Lộc, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Hiện tại chưa biết chính xác chùa được xây dựng chính xác năm nào. Tuy nhiên căn cứ theo một số hiện vật còn lưu giữ tại chùa như bia đáThiên đài thạch trụ, cột chùa cũ có ghi tên người bằng chữ Hán hưng công, tượng Hậu từ đây có thể khẳng định chùa có từ lâu đời. Theo văn bia cho biết chùa Linh Ứng là danh lam cổ tích có lầu chuông, gác trống và nơi đây là nơi cảnh giới trang nghiêm .

Toàn cảnh chùa Hói nhìn từ trên cao

  1. Quá trình trùng tu

Căn cứ vào ghi chép của bia đá 靈應寺碑記Linh Ứng tự bi kí và 重修靈應寺碑記Trùng tu Linh Ứng tự bi kí, chùa đã có từ khoảng thời Hậu Lê đến thời Mạc. Trong văn bia cho biết chùa Linh Ứng trong lịch sử đã bị cháy do chiến tranh dẫn đến hư hỏng, đến năm Hoằng Định thứ 13 (1613) chùa đã được trùng tu nhiều hạng mục như tiền đường, tô tạo tượng Phật. Người có công lao lớn trong việc trùng tu xây dựng là Thái trưởng công chúa cùng các thiện tín góp công sức tiền bạc và ruộng. Việc trùng tu này được tiến hành vào năm Giáp Tuất (1574) dưới thời Mạc Mậu Hợp.

Như vậy trước đó chùa đã được xây dựng và được trùng tu dưới thời Mạc. Có lẽ lần trùng tu này vì đang trong lúc diễn ra nội chiến nên chưa kịp khắc bia, mãi đến gần 40 năm sau mới khắc bia vào năm Hoằng Định thứ 11.

重修靈應寺碑記

下洪府,嘉福縣,高陽社,善士[為]原古迹,靈應寺名藍樓臺舊 [勝], 境界莊嚴. 凡兵燹颓弊本社中有善士段美, 段[笞], 阮岳,阮仁造, 阮鑑蟾,阮侄,黃承宗勸發用力普十方諸善人,發財木,於甲戌重修上殿,塑佛像塑好,至事十一月十九日善士段美, 黃承宗興造前堂並重修三關圍城,規模完好,作福善慶餘百祥,乃記銘于碑代代永流傳云.

Phiên âm:

Hạ Hồng phủ, Gia Phúc huyện, Cao Dương xã, Thiện sĩ [vi ]nguyên cổ tích, Linh Ứng tự danh lam lâu đài cựu [thắng], cảnh giới trang nghiêm. Phàm binh tiển đồi tệ bản xã trung hữu Thiện sĩ Đoàn Mĩ, Đoàn [Si ], Nguyễn Nhạc, Nguyễn Nhân Tạo, Nguyễn Giám Thiềm, Nguyễn Chất, Hoàng Thừa Tông khuyến phát dụng lực phổ thập phương chư thiện nhân, phát tài mộc, ư Giáp Tuất trùng tu thượng điện, tố phật tượng tố hảo, chí sự thập nhất nguyệt thập cửu nhật Thiện sĩ Đoàn Mĩ, Hoàng Thừa Tông hưng tạo tiền đường tịnh trùng tu Tam quan, vi thành, quy mô hoàn hảo, tác phúc thiện khánh dư bách tường,  nãi kí minh vu bi đại đại vĩnh lưu truyền vân. 

Dịch nghĩa:

Bài văn bia trùng tu chùa Linh Ứng

Thiện sãi trong làng xã Cao Dương, huyện Gia Phúc, phủ Hạ Hồng vì ngôi cổ tự vốn là chốn lâu đài danh lam thắng cảnh nổi tiếng với cảnh giới trang nghiêm có từ lâu đời. Chùa Linh Ứng, bởi trải qua nhiều cơn binh lửa phá hủy hoàng tàn. Các Thiện sãi Đoàn Mĩ, Đoàn Si, Nguyễn Nhạc, Nguyễn Nhân Tạo, Nguyễn Giám Thiềm, Nguyễn Điệt, Hoàng Thừa Tông ra sức khuyến phát thập phương thiện tín đóng góp tài chính và vật liệu gỗ. Vào năm Giáp Tuất (1574) trùng tu thượng điện, tô đắp tượng Phật tố hảo, việc đến ngày 19 tháng 11, Thiện sãi Đoàn Mĩ, Hoàng Thừa Tông lại tiếp tục khởi công xây dựng Tiền đường và trùng tu Tam quan, gác chuông, tường bao, quy mô hoàn hảo, việc phúc hoàn thiện với trăm vẻ tốt lành, bèn làm bài minh khắc trên bia đá đời đời lưu truyền mãi.

Như vậy căn cứ theo văn bia này, thì có bảy vị thiện sãi đã khuyến phát thập phương. Còn trong phần kê ở phía sau thì Thái trưởng công chúa[1] là người có đóng góp nhiều tiền tài để sửa sang các hạng mục của chùa như tiền đường và tam quan. Ngoài ra văn bia còn khắc tên của nhiều thiện tín cũng tham gia công đức xây dựng chùa người góp tiền, người góp ruộng để hưng công dựng chùa. Đó là bảy người ở xứ Hải Dương (tiếc rằng văn bia mờ không thể đọc được cả danh tính bảy người này), như Nguyễn Thị Ngọc Nga, Nguyễn Nhân Tạo, Nguyễn Kim, Nguyễn Thuyên, Hoàng Thị Ngọc Liên, …những người góp tiền như là Nguyễn Thị Đức, Lê Thị Năng, Nguyễn Thị Thượng, Hoàng Thị Ngạch mỗi người 5 mạch, Đặng Thị Ngọc, Nguyễn Thị Ngọc Sinh mỗi người 5 mạch, ngoài ra còn có Nguyễn Văn Tiến, Nguyễn Tự Cường, Nguyễn Trừng, Phạm Thị Hòa.

Còn căn cứ theo theo bia xã Cao Dương trùng tu chùa Linh Ứng高陽社重修靈應寺 (Cao Dương xã trùng tu Linh Ứng tự), văn bia này cũng ca ngợi chùa là một tòa lâu đài quy mô, tươi đẹp muôn vẻ. Tuy nhiên vì trải qua thời gian binh lửa ngày tháng dài lâu mà chàu bị hư hỏng. Nhân vậy mà nhân dân bản xã đã cùng nhau cúng ruộng để trùng tu chùa. Lần này có Hoàng Thị Mai, Hoàng Thị Phú, Nguyễn Thị Chính, Nguyễn Nhạc, Nguyễn Võ Cửu, Lê Thị Đạm, Nguyễn Thị Tín, Nguyễn Thị Nhân, Nguyễn Thị Diễm, Nguyễn Thị Ngọc Ninh…cùng nhiều thiện tín khác nhưng tiếc rằng văn bia đã bị mòn hết không rõ danh tính của tất cả mọi người.

Trải qua thời gian chùa được trùng tu vào các năm Vĩnh Thịnh thứ 2 (Bính Tuất 1706), Thành Thái 14 (Nhâm Dần 1902), Duy Tân thứ 5 (Tân Hợi 1911), Bảo Đại thứ 3 (Mậu Thìn 1928) chùa đều có tu sửa. Sau này chùa được tạm dùng để chứa lúa và dùng làm lớp học. Mãi đến năm Nhâm Thân 1992, Sư cụ Trụ trì Thích Đàm Thành tổ chức lợp lại mái. Năm 1997, Sư cụ ủy nhiệm tiếp tục xây tường bao quanh 4 mặt, xây giếng chùa, mua nhà cũ dựng nhà Mẫu, xây khu công trình phụ. Tuy nhiên, những lần tu sửa này chỉ là gắng duy trì một phần của tổng thể so với đợt đại trùng tu xưa.

Ngoài ra chùa còn bảo tồn được một Thiên đài thạch trụ hiện vẫn còn đặt trước chính điện chùa cũ, được nghệ nhân đục đá tạo thành 4 mặt, trên đỉnh được tạc một bông sen (biểu tượng của nhà Phật). Bông sen được tỉa thành nhiều cánh thường số cánh là số lẻ giữa bông sen đó đục rỗng để cắm hương, bông sen này có thể xoay 3600 được. Về ý nghĩa của cây hương nó như một cột kỳ đài, một cột trụ trời được trồng trước chính điện của chùa để nhân dân thắp hương cầu trời khấn Phật, nó còn có tên gọi khác là “Kính thiên đài chúc”, “Thiên đài thạch trụ”, lời văn khắc trên cây Thiên đài ghi lại việc xây dựng công đức lập đài thiêu hương để cúng Phật và cúng Trời của gia đình thiện tín.

Thiên đài thạch trụ dựng năm Vĩnh Thịnh thứ 2 (1706), còn dựng phía trước của chùa cũ cho biết vợ chồng gia đình thiện sãi là Hoàng Văn Lặc tên tự là Phúc Vĩnh cùng hai bà vợ là Hoàng Thị Lớn và Võ Thị Lệ đã hưng công xây dựng Thiên đài để thờ Trời Phật tại chùa. Lời văn ghi rằng “ con người vì tôn kính trời mà kính Phật, tôn sùng Phật mà lập Thiên đài để thờ Trời ”.

Nguyên văn chữ Hán:

天臺石柱

下洪府,嘉福縣,高陽社,善士黃文勒,置立石柱敬天臺, 愿想開九天玄女之上 挺然. 一境天臺之生,人能敬天則佛. 人能崇佛則立臺以事天. 茲黃文勒欲[逢]湏憑一篆之香,用力任,則立臺燒香供養諸佛望拜九重,重恩下濟三途苦,庶祈得佛恩均蒙天祿.

會主興功黃文勒字福永,妻黃氏 [𣁔], 妾武氏厲

永盛二年十月二十六日

范合社監生吳[]撰

Phiên âm:

Thiên đài thạch trụ

Hạ Hồng phủ, Gia Phúc huyện, Cao Dương xã, Thiện sãi Hoàng Văn Lặc trí lập thạch trụ kính thiên đài, nguyện tưởng khai Cửu thiên huyền nữ chi thượng, đĩnh nhiên. Nhất cảnh thiên đài chi sinh, nhân năng kính thiên tắc Phật. Nhân năng sùng Phật tắc lập đài dĩ sự thiên. Tư Hoàng Văn Lặc dục đạt thập phương chi tín, tu bằng nhất triện chi hương, dụng lực nhậm tắc lập đài thiêu hương cúng dàng chư Phật vọng bái cửu trùng trọng ấn, hạ tế tam đồ khổ, thứ kì đắc Phật ân, quân mông thiên lộc.

Kê:

Hội chủ hưng công Hoàng Văn Lặc tự Phúc Vĩnh, thê Hoàng Thị [Lớn], thiếp Võ Thị Lệ

Vĩnh Thịnh nhị niên thập nguyệt nhị thập lục nhật

Phạm Hợp xã Giám sinh Ngô [Thao]? soạn

Dịch nghĩa:

Thiện sãi Hoàng Văn Lặc xã Cao Dương, huyện Gia Phúc, phủ Hạ Hồng dựng đài thạch trụ kính Thiên để tưởng nhớ đến đấng tối Cửu thiên Huyền nữ[2], bậc có công mở ra chín tầng trời. Cảnh giới tòa trời ngài ngự rờ rỡ trang nghiêm. Người dương gian có kẻ kính Trời mà gửi nơi Phật, lại có hạng sùng mộ Phật thì lập đài để thờ Trời. Nay Hoàng Văn Lặcnhang dâng một triện, lòng những kính tín khắp Mười phương bèn bỏ tâm sức dựng Thiên đài thiêu hương, trên là cúng dường chư Phật, thứ nữa là bái vọng ơn nặng Cửu thiên, dưới trợ giúp ba nẻo khổ([3]), sau nữa cầu nương ân Phật độ và mong hưởng lộc trời ban..

Kê:

Hội chủ hưng công Hoàng Văn Lặc tên chữ là Phúc Vĩnh, vợ là Hoàng Thị Lớn, thiếp là Võ Thị Lệ.

Ngày 26 tháng 10 năm Vĩnh Thịnh thứ 2 (1706)

Giám sinh xã Phạm Hợp là Ngô [Thao] ? soạn văn bia.

Quá trình trùng tu chùa:

Trải qua thời gian chùa được trùng tu vào các năm Vĩnh Thịnh thứ 2 (Bính Tuất 1706), Thành Thái 14 (Nhâm Dần 1902), Duy Tân thứ 5 (Tân Hợi 1911), Bảo Đại thứ 3 (Mậu Thìn 1928) chùa đều có tu sửa. Sau được tạm dùng để chứa lúa và dùng làm lớp học. Mãi đến năm Nhâm Thân 1992, Sư cụ Trụ trì Thích Đàm Thành tổ chức lợp lại mái. Năm 1997, Sư cụ ủy nhiệm tiếp tục xây tường bao quanh 4 mặt, xây giếng chùa, mua nhà cũ dựng nhà Mẫu, xây khu công trình phụ. Tuy nhiên, những lần tu sửa này chỉ là gắng duy trì một phần của tổng thể so với đợt đại trùng tu xưa. Người có công lao lớn trong việc trùng tu xây dựng là Thái trưởng công chúa cùng các thiện tín góp công sức tiền bạc và ruộng. Việc trùng tu này được tiến hành vào năm Giáp Tuất (1574) dưới thời Mạc Mậu Hợp.

Kinh sách Hán Nôm còn bảo quản tại chùa

Hiện nay trụ trì chùa Đại đức Thích Giác Thành còn lưu giữ và bảo quản hơn 500 quyển kinh sách với nhiều bộ kinh quý như kinh Đại tạng, kinh Diệu Pháp Liên Hoa, kinh Kim Cương, kinh Pháp Hoa, không những Đại đức đàm mê sưu tầm và bảo quản các bộ kinh Phật của cha ông để lại, mà bên cạnh đó còn có nhiều bộ sách sử Việt Nam bằng chữ Hán như Đại Nam quốc sử diễn ca, nhiều bộ kinh sách có niên đại vài trăm năm đến hàng trăm năm…

Có thể kể đến các bộ sách như Thái Tông Hoàng đế ngự chế Khóa hư lục do pháp tràng chùa Yên Ninh Nam Sách, khắc lại năm Canh Tý niên hiệu Minh Mệnh; cuốn Trần triều dật tồn Phật điển lục do Viện Viễn đông bác cổ khắc lại năm Thành Thái thứ 19 (1907), sách gồm Thượng sĩ ngữ lục, Tam tổ thực lục, Thiền đạo yếu học, Bản hạnh ngữ lục; cuốn Ngự chế Thiền điển thống yếu kế đăng lục do Hòa thượng Phúc Điền soạn năm Tự Đức thứ 12 (1859); cuốn Thiền uyển tập anh do đệ tử ngài Thứ Trí trùng san thời Lê năm Vĩnh Thịnh, bản này có đính kèm theo bản Tam tổ thực lục; cuốn Bảo đỉnh hành trì bí chỉ toàn chương do Trúc lâm đệ tam tổ Huyền Quang tôn giả định bản, khắc lại năm Khải Định thứ 3, giữa mùa hè năm Mậu Ngọ, bản ván in lưu tại chùa Viên Ninh, thôn Quang Lãng, xã Cổ Liêu, tổng Khai Thái; cuốn Tam giáo chính độ tập yếu, bản lưu tại chùa Hưng Phúc xã Xuân Lôi, huyện Vũ Giang, Bắc Ninh, khắc in năm Thành Thái thứ 4 (1893); cuốn Phật tổ tam kinh so Sa môn dòng Lâm tế chính tông chùa Hoa Lâm…Và còn rất nhiều các bản kinh sách quý giá khác không thể kể hết trong bài viết này.

 

 

  1. Kết luận

Chùa Linh Ứng xưa đã có lịch sử gần 400 năm, được sự đóng góp tiền tài của Thái trưởng công chúa nhà Mạc mà chùa được trùng tu nhiều hạng mục Tiền đường, Tam quan. Có thể nói nhìn tổng thể chùa thời bấy giờ đã có đầy đủ các công trình như lầu chuông, gác trống, nhà Tiền đường, cổng Tam quan, tường bao xung quanh cùng hệ thống tượng Phật tố hảo. Qua tư liệu văn bia đã cho chúng ta thấy tổng thể quy hoạch của chùa Linh Ứng xưa thật xứng đáng là nơi danh lam cổ tích một vùng. Hiện nay, chùa đang được sư trụ trì tiếp tục mở mang xây dựng, trùng tu để gìn giữ và nối tiếp truyền thống của các bậc tiền nhân xưa đã có công xây dựng mở mang chùa.

Tài liệu tham khảo

Thần tích Thần sắc kí hiệu TTTS 9346  lưu tại Viện Thông tin Khoa học Xã hội.

Đinh Khắc Thuân (2012), góp phần nghiên cứu lịch sử Triều Mạc ở Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.

 

GHI CHÚ:

[1] Trong lịch sử triều Mạc từng ghi nhận các Thái trưởng công chúa đều có lòng từ bi, phát tâm xây dựng chùa như: Phúc Thành Thái trưởng công chúa Mạc Ngọc Lâm

Bảo Gia thái trưởng công chúa

Phúc Nghi thái trưởng công chúa

Thọ Phương thái trưởng công chúa

Phúc Tuy thái trưởng công chúa

Tu Hoà thái trưởng công chúa

[2] Ngày 09 tháng 09 âm lịch được lấy là ngày vía Bà Cửu Thiên Huyền Nữ. Hằng năm, đền Cửu Thiên Huyền Nữ tổ chức lễ hội vào mồng 09 tháng 9 âm lịch để tưởng nhớ đến công lao của các vị thần được tôn thờ.. Trong lễ hội có nhiều hoạt động như tế lễ, dâng hương và giao lưu văn nghệ được người dân nơi đây diễn xướng hội như: hát chèo, hát quan họ

[3] 地狱道)﹑(畜生道)﹑(饿鬼道): tam đồ là ba con đường gồm, đường địa ngục, đường súc sinh, đường quỷ đói.

HÌNH ẢNH

Thiên đài thạch trụ

Tượng Hậu

Bia đá


Hình ảnh trùng tu thượng điện cũ

Hình ảnh tòa Tam Bảo mới của chùa

Cột gỗ chùa cũ có ghi tên người cung tiến hưng công

*

Leave a comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Articles

Thượng tọa. GĐ Trung tâm Tư liệu Phật giáo Việt Nam đi khảo sát nguồn tư liệu Phật giáo

Vừa qua, Thượng Tọa Thích Tiến Đạt, Giám đốc Trung tâm Tư...

Protected: Công cụ OCR và phiên dịch

There is no excerpt because this is a protected post.

Bộ tạp chí Đuốc Tuệ

Bộ tạp chí Đuốc Tuệ (Thiếu một vài số, nguồn : http://thuvienphatgiao.com)...