Bản Lễ tụng hành trì tập yếu chư nghi 禮誦行持集要諸儀 này được Trung tâm TLPG sao chụp tại chùa Hói (Chùa Linh Ứng, thôn Cao Dương, huyện Gia Lộc, Hải Dương).
Theo thông tin trong sách thì năm khắc in là năm Tự Đức 36 (Quý Mùi 1883), vốn tàng bản ở chùa Vĩnh Khánh (Yên Ninh, Chí Linh, Nam Sách, Hải Dương).
Sách gồm các phần :
– Nhất thời lễ tụng tập yếu chư nghi (bao gồm: Đại Bi Thập Chú, Bát Nhã Tâm Kinh, Tán dương Tam Bảo, Kính lễ sám hối, A Di Đà Kinh, chuyên trì Danh hiệu, v.v…)
– Lược sám nguyện nghi.
– Lược hành nguyện nghi.
– Nhật dụng hành trì tập yếu chư nghi (gồm các bài kệ chú, Mông Sơn thí thực, cảnh sách, phóng sinh, Uy nghi quốc ngữ, Ngũ giới quốc ngữ, Sa Di Thập giới quốc ngữ, Ni luật quốc ngữ, Sự lý viên dung, Hành trì mật chỉ, Chúc Tổ Sư nghi, v.v…)
Phần kinh chữ Hán chỉ là các bản kinh phổ thông có tính chất tuyển tập, phần đặc biệt nhất của sách này là các đoạn chú giải kinh bằng chữ Nôm và các bài văn chữ Nôm như Uy nghi quốc ngữ, Ngũ giới quốc ngữ, Sa Di Thập giới quốc ngữ, Ni luật quốc ngữ … Trong đó nổi bật là hai bản Nôm Ngũ giới quốc ngữ và Thập giới quốc ngữ do tổ Như Trừng Lân Giác soạn vào năm 1726, hai bài này có nhiều từ cổ và thành ngữ tục ngữ khá bổ ích để nghiên cứu về tiếng Việt thế kỷ 17-18.
Trích dẫn một số câu ở bản Ngũ giới Quốc âm, có “phong cách” ca dao tục ngữ bình dân:
… Của mình mình tiếc mình đau
Của người sao được lá rau cũng mừng
… Ốc ngờ kim cải tương phùng
Nào hay trái chủ sánh cùng oan gia.
… Sắc thanh thể chẳng phong ba
Trượng phu mấy sức buồm qua khỏi gành
… Vì xuân nào quản tổn tiêu
Ôm đồm ba bảy rập dìu bướm ong
… Lưỡi mềm uốn phải làm chăng
Thấy rằng chẳng thấy hay rằng chẳng hay
… Sảy chèo khôn lẽ bá tay
Đến khi đã lỗi mới hay là lầm
… Một đôi chân thấp chân cao
Thấy cha chú cũng mày tao chẳng nhường
… Lại cùng xẻ thịt róc xương
Đua nhau gỏi chả nhiều phương dái dùng.
… Lẫn loài dò lưới bủa lờ
Thịt hàng cá ngã cháo cơm ngày dài
… Nóc nhà trông ngỡ ai quay
Ruột gan nồng nã chân tay rụng rời
.v.v.
Hoặc các câu có vẻ như thành ngữ :
… Đá mài lận ngọc, đồng xuy luận vàng
… Đồ mưu thợ kiện, giáo toa thầy dùi
… Ở đây nói đó đăm chiêu thất thường
… Khen lao trước mặt rón bì sau lưng
… Chửi mưa chửi gió gièm pha thánh hiền.
… Ăn càn ở rỡ thế nhân xem hèn
… Hỗn hào ngọc đá thau vàng
… Mượn hồn ma quỷ múa may dối thời
… Nước cơm bã cháo cầm cho khỏi ngày
.v.v.
Có một vấn đề chuyên môn cần tìm hiểu thêm, đó là phần tựa dẫn có ghi niên đại Tự Đức 36 (Quý Mùi 1883) có kỵ húy chữ Thì (tên húy vua Tự Đức là Nguyễn Phúc Thì), xem chữ khoanh tròn đỏ xem ảnh 1. Nhưng phần chính văn thì không kỵ húy chữ Thì (xem chữ khoanh đỏ trong hình 2), nếu tinh ý một chút thì thấy ván khắc phần bài tựa cao hơn ván khắc chính văn một chút (đánh dấu bằng mũi tên màu đỏ trên hình 2). Vị vậy có khả năng lần in năm Tự Đức 36 đã sử dụng một bộ ván cũ có từ trước đời Tự Đức (1848), chỉ sửa các ván hư và khắc thêm phần bài tựa.
Hình 1 : Phần dẫn (bài tựa) có chữ thì 時 khắc kỵ húy, bỏ nét ngang trong chữ nhật.
Hình 2 : Trang cuối bài tựa dẫn có ghi niên đại Tự Đức 36, và trang đầu phần chính văn có chữ Thì 時 khắc không kỵ húy.
Để ý khuôn in phần tựa dẫn cao hơn phần chính văn.
Leave a comment