Danh Mục Các Chùa Huyện Đan PhượngPhật Giáo Huyện Đan PhượngXã Song Phượng

Chùa Nhạn Tháp – Xã Song Phượng, Đan Phượng, Hà Nội

Chùa Nhạn Tháp – Xã Song Phượng, Đan Phượng, Hà Nội

1 Giới Thiệu Chùa

Nằm trong khuôn viên cụm di tích đền Tháp Thượng và chùa Nhạn Tháp (thôn Tháp Thượng, xã Song Phượng, huyện Đan Phượng), chùa Nhạn Tháp được khởi dựng từ rất sớm. Đến nay, không còn tư liệu gốc ghi chép chính xác niên đại của chùa.

Chỉ biết rằng, chùa tọa lạc trên một vùng đất cổ. Tương truyền, đây từng là khu vực phòng tuyến của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng (năm 40 – 43 sau Công nguyên). Đền Tháp Thượng là nơi thờ vị thành hoàng làng Lôi Chấn – một người con của quê hương Đan Phượng, một tướng giỏi đã sát cánh cùng Hai Bà Trưng trong cuộc khởi nghĩa chống ách áp bức, đô hộ của nhà Đông Hán. Còn chùa Nhạn Tháp là nơi thờ Phật và là trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng lâu đời của người dân.

Chùa Nhạn Tháp được xây dựng trên một gò đất cao có hình con chim nhạn. Trong khuôn viên chùa có 2 giếng cổ, nhìn từ trên cao xuống giống như đôi mắt của con chim nhạn. Có lẽ bởi thế nên chùa được đặt tên là Nhạn Tháp. Trải qua những thăng trầm lịch sử, chùa đã được tu sửa nhiều lần nên không còn giữ được hình dáng ban đầu. Hiện chỉ còn lại một số dấu tích như: Tam quan, tháp chuông, cây đa cổ thụ, giếng cổ…

Hiện nay chùa chỉ còn gác chuông là cổ, còn lại Tam Bảo đã được Trùng tu lại vào năm 2015/2016 do tàn phá của chiến tranh.

2 Thông Tin Số Hóa Về Chùa

Trung tâm tư liệu Phật giáo Việt Nam đã đến và số hóa chùa vào ngày 31/7/2023
Hiện vật bao gồm: Tam Bảo và Nhà Tổ

  1. Hoành Phi: 5 bản
  2. Câu Đối: 10 bản
  3. Tượng To: 33 tượng
  4. Tượng Nhỏ: 11 tượng
  5. Chuông Khánh Cổ: 1 Chuông và 1 Khánh

Kiến trúc chùa được thiết kế theo kiểu chuôi vồ. Tiền đường gồm 5 gian, được xây kiểu tường hồi bít đốc. Các bộ vì kèo được làm kiểu giá chiêng, kẻ hiên. Hai gian hồi được thiết kế kiểu chồng rường, bảy hiên với các con rường trang trí vân xoắn. Tòa thượng điện gồm 3 gian, các vì kèo có kết cấu giống như tiền đường. Trong chùa hiện còn lưu giữ được bộ tượng Tam thế có kích thước lớn, được tạo tác từ thế kỷ XVIII với đường nét chạm khắc tinh xảo.
Ngoài ra, trong sân chùa còn có một gác chuông cổ được xây kiểu 2 tầng 8 mái; 4 trụ chính được xây bằng gạch, trên đục hoa văn thủng. Xung quanh là 4 cột cái bằng gỗ lớn, có chân tảng bằng đá. Bốn phía là 8 cột quân bằng gạch đỡ các góc mái cong vút, trên bờ dải trang trí hình rồng uốn lượn mềm mại. Bên trong có các bức cốn nách được chạm khắc họa tiết với đề tài phong phú, mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX. Trên tầng 2 là gác chuông được thiết kế đơn giản.

Với những giá trị về lịch sử, văn hóa và nghệ thuật kiến trúc còn được lưu giữ, năm 1991, chùa Nhạn Tháp cùng với đền Tháp Thượng đã được xếp hạng Di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia.

 

Leave a comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Articles

Hoạt động Phật giáo Đan Phượng năm 2023

ĐẶC ĐIỂM TINH HÌNH CHUNG Đan Phượng là một huyện nằm ở...

Chùa Già Lê – Xã Hồng Hà, Đan Phượng, Hà Nội

Chùa Già Lê – Xã Hồng Hà, Đan Phượng, Hà Nội Chùa...

Chùa Sùng Phúc – Xã Đồng Tháp, Đan Phượng, Hà Nội

Chùa Sùng Phúc – Xã Đồng Tháp, Đan Phượng, Hà Nội Chùa...

Chùa Động Linh – Xã Song Phượng, Đan Phượng, Hà Nội

Chùa Động Linh – Xã Song Phượng, Đan Phượng, Hà Nội Chùa...