Hoạt độngPhật Giáo Huyện Đan PhượngSự kiện

Hoạt động Phật giáo Đan Phượng năm 2023


ĐẶC ĐIỂM TINH HÌNH CHUNG

Đan Phượng là một huyện nằm ở phía Tây Thủ Đô, một mặt giáp với sông Hồng ,một mặt bám theo quốc lộ 32. Trên địa bàn toàn huyện có 16 xã, thị trấn. Số lượng tự viện có 55 cơ sở trong đó số lượng Tăng ni trụ trì và kiêm nhiệm có 46 chùa, còn lại 06 chùa có sư về trông nom nhưng chưa hoàn thiện thủ tục hồ sơ hợp pháp và 03 chùa chưa có Sư trụ trì nên việc quản lý nhân sự ,chùa chiền cũng như hướng dẫn phục vụ tín ngưỡng cho nhân dân Phật tử còn gặp nhiều khó khăn. Dưới được sự chỉ đạo của Thường Trực Ban Trị Sự Thành hội Phật giáo TP Hà Nội, sự quan tâm giúp đỡ của Lãnh đạo Đảng, Chính quyền, MTTQ các cấp huyện Đan Phượng và hơn hết là sự cố gắng nỗ lực của Ban Trị Sự Phật giáo huyện cùng toàn thể Tăng ni thành viên, trong năm qua hoạt động Phật sự của Phật giáo huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhìn chung toàn thể Tăng ni trong huyện luôn sống trong tinh thần đoàn kết hòa hợp, quyết tâm thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ mà Chư tôn lãnh đạo giáo hội đã chỉ đạo.

 

CÔNG TÁC PHẬT SỰ

  1. Công tác tổ chức.

Thực hiện nghị quyết Đại Hội và kế thừa những thành quả tốt đẹp mà năm 2022 đã đạt được, Ban Trị Sự Phật giáo huyện đã họp tổng kết công tác Phật sự năm 2023 và đề ra phương hướng công tác Phật sự năm 2024 để kiện toàn công tác tổ chức, phân công trách nhiệm cụ thể cho 16 thành viên trong ban, thống nhất phân công thành viên phụ trách các chùa theo vùng miền để công tác quản lý tăng ni, tự viện được chặt chẽ hơn.

Mọi công việc Phật sự của huyện hội được tập thể họp,bàn để giải quyết dưới sự chủ trì của Trưởng Ban Trị Sự là Đại đức Thích Thái Minh. Các thành viên Ban Trị Sự  họp giao ban để giải quyết các công việc và tháo gỡ các công việc phát sinh vào ngày 14 âm lịch, Bá tát hàng tháng (trừ các công việc đặc biệt thì sẽ có giấy mời triệu tập). Giao ban với các ban hộ tự một quý một lần theo định kỳ.

Nhìn chung trong năm qua sự đoàn kết thống nhất trong nội bộ Ban Trị Sự cùng các thành viên Tăng Ni tiếp tục được củng cố nên các hoạt động Phật sự đều thuận lợi và có nhiều thành quả nhất định.

  1. Công tác Tăng sự – Tự viện.

Phát huy tinh thần lục hòa cộng trụ của người đệ tử Phật, các thành viên trong toàn huyện đã đoàn kết ,hòa hợp và sách tiến lẫn nhau trong tu tập ,thực hiện và tuân thủ theo giới luật Phật chế cũng như các quy định của nội quy tăng sự và pháp luật hiện hành, mỗi tăng ni đều là một tấm gương để cho các tín đồ Phật tử noi theo.

  • Về Tăng Ni: Tổng số có 75 vị, trong đó có 13 vị Tỷ khiêu, Tỷ khiêu ni có 51 vị; Thức xoa 02 vị, Sa Di Tăng 02 vị, và hình đồng Tăng 03, HD Ni có 04 vị.Trong năm qua  toàn huyện có 05 vị nhập tu là;
  • Nguyễn Ngọc Minh – Thích Thanh Thủy – Chùa Già Lê xã Hồng Hà
  • Đinh Công Tam – Thích Di Chiếu – Chùa Đại Từ Ân Thị Trấn Phùng
  • Lê Duy Việt Anh – Thích Di Cơ – Chùa Đại Từ Ân Thị trấn Phùng
  • Vũ Hải Anh – Thích Nhiên Đăng – Chùa Bát Phúc xã Tân Lập
  • Hoàng Diệu Linh – Thích Nhiên Bảo – Chùa Bảo Quang xã Trung Châu

* Về Tự viện : Tổng số trong huyện có 56 ngôi chùa, trong đó chùa có tăng ni trụ trì và kiêm nhiệm trụ trì là 46 ngôi, 06 chùa có sư về trông nom nhưng chưa hoàn thiện đủ hồ sơ hợp lý, và 04 chùa do Phật tử tự quản. Trong năm qua BTS Phật giáo huyện có xác nhận và nhận quyết định chính thức Bổ nhiệm trụ trì 01 chùa đó là :  Sư cô Thích Viên An  –  Trụ trì chùa Bảo Quang xã Trung Châu

* An Cư Kết Hạ:

Theo lời Phật dạy việc an cư kết hạ hàng năm là nghĩa vụ, bổn phận của người xuất gia nhằm thúc liễm thân tâm, trau dồi giới đức. Trong năm qua, thực hiện sự chỉ đạo của Ban Trị Sự Thành hội HN, Ban Trị Sự PG huyện đã động viên Tăng ni trong huyện tham gia An cư kết hạ tại các cơ sở trường hạ của giáo hội. Số lượng Tăng ni trong huyện tham gia An cư kết hạ là 42 vị. Trong đó có 30 vị an cư  tại cơ sở trường hạ chùa Thầy – Quốc oai-TP Hà Nội, 09 vị An cư tại Trường Trung Cấp Phật học Hà Nội, 01 vị công tác tại Văn phòng Trung ương GH an cư tại Chùa Quán Sứ, 02 vị an cư tại Học Viện PGVN tại Sóc Sơn – Hà Nội.

  1. Công tác giáo dục.

Nhằm nâng cao trình độ hiểu biết về Phật học cũng như thế học cho các Tăng Ni trẻ trong huyện, ngõ hầu có đủ khả năng phục vụ giáo hội, áp dụng vào cuộc sống tu tập của bản thân và hướng dẫn hoằng pháp cho Phật tử, Ban Trị Sự  Phật giáo huyện đã động viên, giới thiệu các tăng ni trong huyện tích cực theo học các chương trình đào tạo của giáo hội. Tính đến thời điểm này toàn huyện có 20 vị tốt nghiệp Học Viện Phật giáo, 03 vị tốt nghiệp Cao Đẳng, 15 vị tốt nghiệp Trung Cấp Phật học. Hiện tại có 01 vị đang làm nghiên cứu sinh Phật học, 02 vị đang theo học khóa IX tại Học Viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội, 02 vị tốt nghiệp lớp đào tạo Giảng Sư, 07 vị đang theo học khóa IX, Trường Trung cấp Phật học Hà Nội. Vừa qua Ban trị sự có xét duyệt 07 bộ hồ sơ xin theo học lớp sơ cấp Phật học khóa mới.

  1. Công tác Hoằng Pháp.

Nhằm đưa giáo pháp của Đức Phật đến với quảng đại quần chúng nhân dân, trong năm qua Ban Trị Sự Phật giáo huyện đã động viên các chùa trong huyện tổ chức một số đạo tràng để tu tập, học hỏi giáo lý theo lịch hàng tháng của các chùa như lớp học giáo lý online hàng tuần của chùa Đại Từ Ân, khóa tu một ngày an lạc hàng tháng tại chùa Bảo Quang xã Trung Châu, chùa Thụy Ứng thị trấn Phùng, chùa Bát Phúc xã Tân Lập đồng thời chư tôn đức Tăng ni trụ trì các tự viện cũng tích cực tổ chức các buổi thuyết giảng giáo lý Phật Pháp cho các Phật tử tại các cơ sở tự viện – giúp cho nhân dân, Phật tử hiểu biết rõ hơn về giáo lý Phật đà để làm lành tránh giữ, bỏ vọng về chân.

  1.   Công tác nghi lễ.

Trong năm qua Ban trị sự GHPGVN huyện cũng động viên Tăng ni trụ trì và kiêm nhiệm hướng dẫn nhân dân, Phật tử sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo lành mạnh đúng chính pháp. Tổ chức các ngày lễ hội truyền thống như Tết Nguyên Đán, Nguyên Tiêu, lễ Phật Đản, lễ Vu Lan báo hiếu………..vận động nhân dân Phật tử loại bỏ những nghi lễ hủ tục, lạc hậu, mê tín dị đoan.

Thực hiện sự chỉ đạo của Trung Ương giáo hội và hướng dẫn của BTS GHPGVN thành phố Hà Nội, mùa Phật Đản năm nay Ban Trị Sự Phật giáo huyện long trọng tổ chức vào hai ngày 11,12 tháng 4 âm lịch, buổi chiều ngày 11 tháng 4 đúng 15h xuất phát diễu hành đoàn rước xe hoa xung quanh trục đường chính của 16 xã, trị trấn trong toàn huyện, đoàn rước gồm có 05 xe hoa to, 40 xe hoa nhỏ và 200 xe máy, từ chùa Nhạn Tháp xã Song Phượng, buổi tối thả hoa đăng tại hồ cạnh Chùa và giao lưu văn nghệ. Sáng ngày 12 tháng 4 Ban trị sự GHPGVN huyện chính thức tổ chức lễ mít tinh Kính Mừng Đại lễ Phật Đản PL. 2567 – DL. 2023 tại chùa Nhạn Tháp xã Song Phượng – huyện Đan Phượng – TP. Hà Nội. Nghi lễ được tổ chức trang nghiêm long trọng, đúng chính pháp, không xa hoa lãng phí, nhờ đó đã gây được ảnh hưởng tốt và mang lại niềm tin cho Tăng Ni Phật tử trong toàn huyện .

Nhân kỷ niệm 76 năm ngày thương binh Liệt sĩ Ban trị Sự GHPGVN huyện tổ chức khóa lễ cầu siêu cho các vị hương linh anh hùng liệt sĩ tại nghĩa trang liên xã Tân Hội – Tân Lập.

  1. Kinh tế – Tài chính – Trùng tu tôn tạo.

Thực hiện sự chỉ đạo của Thành hội, trong năm qua Ban Trị Sự Phật giáo huyện đã vận động các chùa cùng tăng ni đóng góp đầy đủ tiền niên liễm, công đức phí theo đúng thời hạn và chỉ tiêu do thành hội quy định.

Bên cạnh các hoạt động về đạo pháp là phần phát triển kinh tế tại mỗi chùa, để có thêm nguồn thu nhập hàng ngày, góp phần xây dựng bảo tồn cơ sở tự viện làm lợi ích cho xã hội. Mỗi thành viên Tăng Ni trong toàn huyện đều nỗ lực tham gia lao động sản xuất để tự cung cấp cho đời sống tu tập của mình, sống thiểu dục tri túc, dành kinh phí cho việc xây dựng chùa chiền.

  1. Công tác Từ Thiện xã hội – Xây dựng bảo vệ Tổ Quốc:

Phát huy tinh thần “ Từ bi cứu khổ ” của đạo Phật, hòa cùng đạo lý “Thương người như thể thương thân” của người con Việt. Phật giáo huyện Đan Phượng luôn hưởng ứng các phong trào, các cuộc vận động của nhà nước do UBMTTQ các ban nghành, hội đoàn phát động. Trong năm qua Ban trị sự PG huyện kết hợp với với tăng ni trụ trì các cơ sở tự viện và Nhóm thiện nguyện Áo Ấm tình thương đã thực hiện tốt công tác an sinh xã hội được như sau: tổ chức 02 chuyến đi thăm hỏi chia sẻ khó khăn ủng hộ đồng bào vùng cao tại tỉnh Hà Giang tổng trị giá 300.000.000 triệu đồng và xây dựng một số công trình như xây cầu tại Bản Nậm Dính xã Tà Tổng huyện Mường Tè tỉnh Lai Châu 700 triệu đồng, làm 2 con đường và tặng quà tại Đề Chia và Nia Do tại 2 xã Cán Chu Pìn và Giàng Chu Pìn huyện Mèo Vạc hơn 300.000.000 triệu đồng, làm điểm Trường Khoáng Biên xã Chiềng Dong huyện Mai Sơn 120.000.000 triệu đồng, chương trình tặng 1073 chiếc áo ấm và quà tặng cho các trường tại các tỉnh vùng cao biên giới 100.000.000 triệu đồng, tặng 70 téc nước trên thôn bản, trường học tại huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang trị giá 145.500.000 đồng, ủng hộ Quỹ vì người nghèo và an sinh xã hội do UBMTTQ huyện phát động 10.000.000 triệu đồng, thăm hỏi gia đình có 3 nạn nhân tử nạn trong vụ cháy chung cư mi ni 5.000.000 triệu đồng. Duy trì Nồi cháo yêu thương phát miễn phí cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa Khoa huyện Đan Phượng vào thứ 6 hàng tuần với 400 xuất cháo sữa/tuần, ngày lễ Phật đản PG huyện trao 21 chiếc xe đạp cho các cháu học sinh nghèo vượt khó tại 3 xã Song Phượng, Đồng Tháp và thị trấn Phùng trị giá 29.400.000 nghìn đồng, dịp tết Nguyên Đán năm 2023 Phật giáo huyện kết hợp với tăng ni trụ trì trên địa bàn 16 xã. thị trấn trao hơn 200 phần qùa đến các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong toàn huyện, mỗi xuất quà trị giá 500 nghìn đồng. Ngoài ra các cơ sở tự viện vào các ngày lễ Phật Đản, Vu Lan cũng có các phần quà thăm hỏi và chia sẻ đến các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người già cô đơn, các cháu học sinh nghèo ……..tại địa phương nơi tăng ni trụ trì trị giá trên 200.000.000 triệu đồng. Tổng số công tác từ thiện trong năm qua của Ban Trị sự PG huyện và các chùa trong huyện là trên 2.149.000.000  tỷ đồng.

 

NHẬN XÉT ĐÁNH GIÁ

Ưu điểm:

Tiếp nối những thành quả tốt đẹp của năm 2022 đã đạt được và được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Thành hội cùng với sự cố gắng của Ban Trị Sự và Tăng ni, Phật tử trong toàn huyện đã không ngừng củng cố phát triển các mặt hoạt động, tăng cường sự đoàn kết hòa hợp giữa Tăng ni với Nhân dân Phật tử tại các cơ sở tự viện. Cho lên việc kiện toàn và đoàn kết hòa hợp trong Ban Trị Sự cùng kết hợp với các thành viên các vùng miền luôn nắm bắt, xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình hoạt động Phật sự, do đó các công việc Phật sự được tiến hành kịp thời, hướng dẫn mọi thủ tục liên quan đến việc xuất gia, độ đệ tử, thuyên chuyển sinh hoạt, bổ nhiệm trụ trì theo đúng quy định của Hiến chương Giáo hội, nội quy Tăng sự cũng như các quy định của pháp luật đến mọi thành viên Tăng ni trong toàn huyện.

Tồn Tại:

Trong năm qua bên cạnh những thành tựu Phật sự mà Phật Giáo huyện Đan Phượng đã đạt được vẫn còn những thiếu sót tồn tại đó là :

  • Chưa giải quyết triệt để việc hợp pháp hóa về hồ sơ, giấy tờ theo quy định đối với một số Tăng ni tạm trú và đang hoạt động tín ngưỡng trong huyện.
  • Chưa giải quyết được dứt điểm mâu thuẫn chùa Tam Giáo của Ni sư Thích Đàm Tịnh với một số cá nhân Phật tử.
  • Trong những cuộc họp của Ban trị sự và những tuần Bá tát 14 hàng tháng và công tác chuẩn bị cho đại lễ Phật Đản tập chung các thành viên trong huyện vẫn chưa tham gia nhiệt tình, đầy đủ và đúng giờ.

Nhìn chung những thành quả đạt được trong năm qua, dưới sự chỉ đạo của Ban Trị Sự Phật Giáo Thành Phố Hà Nội, sự quan tâm giúp đỡ của Lãnh đạo đảng, Chính quyền, MTTQ các cấp và hơn hết là sự cố gắng nỗ lực của toàn thể Tăng ni, Phật tử huyện nhà. Tuy những kết quả trên còn rất khiêm tốn, nhưng đó cũng là một khả quan đáng khích lệ của Phật giáo huyện nhà. Trong năm tới đây toàn thể Tăng ni Phật tử trong huyện sẽ phát huy những thành quả đã đạt được khắc phục những hạn chế còn tồn tại để công tác Phật sự của Phật giáo huyện ngày càng hoàn thiện và phát triển hơn mỗi vị Tăng ni thành viên cần cố gắng nỗ lực trong các hoạt động Phật sự, phát huy truyền thống của Phật giáo Việt Nam, sống tốt đời đẹp đạo là tấm gương cho thiện tín quy ngưỡng, góp phần xây dựng xã hội công bằng – dân chủ – văn minh.

 

PHƯƠNG HƯỚNG CÔNG TÁC PHẬT SỰ NĂM 2024

Trên cơ sở những thành tựu đã đạt được và những hạn chế còn tồn tại trong công tác Phật sự của năm 2023 Ban Trị Sự Phật giáo huyện Đan Phượng xây dựng phương hướng công tác Phật sự năm 2024 như sau:

Công tác tổ chức:

  • Động viên các Tăng Ni thành viên trong toàn huyện thực hiện tốt nội quy, quy chế hoạt động của Ban Trị Sự  đã đề ra.
  • Cần có kế hoạch phân công cụ thể, phù hợp với khả năng của từng thành viên, tạo mối quan hệ chặt chẽ giữa các thành viên Ban Trị Sự để nắm vững tình hình Phật sự trong toàn huyện. Đề xuất kịp thời những ý kiến giải pháp cho các hoạt động Phật sự và trong những trường hợp cần thiết
  • Việc tổ chức hội nghị thường niên hay hội nghị bất thường, Ban Trị Sự cùng các thành viên Tăng ni trong toàn huyện tổ chức họp nội bộ trước để thống nhất kế hoạch tổ chức, thống nhất ý kiến, quan điểm nhằm tránh sự bất đồng trong khi diễn ra hội nghị.

– Chủ động nắm bắt tình hình diễn biến tại các địa phương để giải quyết kịp thời các khuyết điểm còn tồn đọng

Tích cực triển khai các nghị quyết tuyên truyền về hiến chương giáo hội, nội quy Tăng sự và chủ trương của Thành hội đến Tăng ni và các cơ sở tự viện trong toàn huyện

Công tác Tăng sự:

  • Hoàn thiện các thủ tục cấp giấy chứng nhận Tăng ni cho những Tăng ni trẻ đã đủ điều kiện và bổ sung cho những vị bị thất lạc
  • Hướng dẫn Tăng Ni tiến hành các thủ tục bổ nhiệm, kiêm nhiệm trụ trì, thuyên chuyển sinh hoạt, độ người xuất gia… có nhu cầu theo đúng quy định của Giáo hội và Pháp luật hiện hành.
  • Duy trì bá tát hàng tháng cho Tăng ni Phật giáo huyện, sau đó họp bàn công việc Phật sự cho tháng tiếp theo

Công tác Hoằng Pháp – Hướng dẫn Phật tử:

Duy trì và tăng cường thuyết giảng giáo lý, hướng dẫn cho Phật tử tu tập tại các chùa, thành lập thêm các đạo tràng tu tập khác trên địa bàn huyện. Đồng thời có sự thống kê số lượng cư sĩ, Phật tử đánh giá sự phát triển về lượng và chất của tín đồ Phật giáo.

Khuyến khích Tăng ni trong huyện tích cực giảng giáo lý cho nhân dân Phật tử ngay tại tự viện do mình trụ trì, giúp mọi người hiểu rõ chính pháp.

Thỉnh cử chư tôn đức Tăng ni có khả năng đến thuyết giảng giáo lý, giúp đỡ tổ chức các lớp học giáo lý tại các cơ sở tự viện trên địa bàn huyện khi Tăng ni trụ trì tự viện đó yêu cầu.

  1. Công tác Nghi lễ – Văn hóa:

Phổ biến những hướng dẫn hoạt động nghi lễ của Trung ương, Thành Hội, đến các cơ sở tự viện đảm bảo sự trang nghiêm đúng chính pháp trong những dịp lễ trọng như tết Nguyên Đán, Nguyên Tiêu, lễ Phật Đản, Vu Lan báo hiếu..v.v.. vận động nhân dân Phật tử loại bỏ những nghi lễ còn mang tính mê tín dị đoan, thực hành tiết kiệm tránh lãng phí tiền của.

Duy trì và tổ chức về ngày lễ Phật đản tập chung cho Tăng ni, Phật tử trong huyện cũng như tại các cơ sở tự viện đảm bảo trang nghiêm long trọng.

Kinh tế tài chính- Trùng tu tôn tạo cở sở tự viện:

Động viên Tăng ni tích cực lao động sản xuất, cải thiện và nâng cao đời sống góp phần tu bổ chùa chiền trang nghiêm, sạch đẹp, cố gắng hoàn thiện cuốn sách “Lịch sử Phật giáo huyện Đan Phượng” để tăng ni Phật tử có thêm tư liệu nghiên cứu về lịch sử hình thành và phát triển của các ngôi chùa trong toàn huyện. Đóng góp tiền niên liễm, công đức phí đúng chỉ tiêu và thời gian quy định, đóng góp để xây dựng quỹ hoạt động của Phật giáo huyện.

Công tác Từ thiện – Xây dựng bảo vệ Tổ Quốc:

Hưởng ứng tốt các cuộc vận động từ thiện nhân đạo của các cấp các ngành, các đoàn thể động viên Tăng Ni Phật tử tích cực tham gia các hoạt động xã hội như: làm từ thiện, giúp đỡ các gia đình chính sách, đồng bào lũ lụt, trẻ mồ côi không nơi nương tựa, người già cô đơn… học tập chủ trương chính sách của Đảng, Nhà Nước, hoàn thành tốt nghĩa vụ của người công dân, nâng cao uy tín của bản thân và giáo hội đối với cộng đồng.

Đối với chư tôn đức cao niên, chư Tăng ni đau ốm, bệnh tật đến động viên thăm hỏi kịp thời

Tăng cường mối quan hệ với chính quyền, MTTQ và các ban ngành chức năng ở huyện và các xã, thị trấn để phối hợp thực hiện chính sách tự do tín ngưỡng của nhà nước và Hiến chương của giáo hội. Vận động Tăng ni Phật tử hưởng ứng và thực hiện đầy đủ các phong trào bảo vệ an ninh trật tự, phòng chống tội phạm tệ nạn xã hội, bảo vệ môi trường, xây dựng đời sống văn hóa tại khu dân cư, văn hóa giao thông… phát huy tinh thần hộ Quốc an dân của Phật giáo Việt Nam. Góp phần xây dựng khối đại đại đoàn kết toàn dân.

 

Leave a comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Articles

TRAO ĐỔI KHOA HỌC “DI SẢN TƯ LIỆU PHẬT GIÁO VIỆT NAM: HIỆN TRẠNG VÀ CÁC VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU”

Chiều ngày 28/8/2024, TT. Thích Tiến Đạt, Phó Viện trưởng Phân viện...

Giới thiệu sách chùa Đồng Đắc và hoạt động tu sửa bồi nền sách.

Qua các đợt khảo sát một số ngôi chùa, Thượng tọa Thích...

Thượng tọa. GĐ Trung tâm Tư liệu Phật giáo Việt Nam đi khảo sát nguồn tư liệu Phật giáo

Vừa qua, Thượng Tọa Thích Tiến Đạt, Giám đốc Trung tâm Tư...