Nguyễn Văn Thinh
Chùa Quang Minh (光明寺) tọa lạc trên địa bàn thôn Hậu Bổng (tên nôm là làng Bóng), xã Quang Minh, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Chùa còn có tên gọi khác là Viên Quang (tục gọi là chùa Bóng) – một đại danh lam, một thánh tích chốn thiền môn. Văn bản Quang Minh tự sự tích đã miêu tả cảnh chùa: “厚俸光明寺,千章碧樹,四面清波,皇路當其前,永河繞其左,真禪天一勝景也” (“Chùa Quang Minh Hậu Bổng, ngàn cây lớn biếc, bốn mặt nước trong, đằng trước có đường cái quan, sông Vĩnh Hà lượn về trái, thật là một thắng cảnh của cõi Phật”). Văn bia Tu cấu Viên Quang khám cho biết: Chùa Viên Quang xã Hậu Bổng, huyện Gia Phúc, phủ Hạ Hồng là danh lam của nước Nam. Chùa vốn là cổ tích: phía trước có nước triều lên, phía sau là bát ngát ruộng đồng; phía trái là xóm làng trù phú, bên phải có chợ náo nhiệt, mỗi dịp xuân về muôn hoa đua nở, nhân dân hoan hỷ hội tụ về, ngựa xe chen chúc võng lọng tấp nập, một bầu cảnh Phật đẹp đẽ lạ thường – một kì quan nhất vùng.
- Quá trình lịch sử
Hiện chưa khảo được nguồn tài liệu nào ghi chép cụ thể thời điểm khởi lập chùa. Hồ sơ công nhận di tích do Toàn quyền Đông Dương ký quyết định ngày 6/5/1925 cũng không nói rõ về việc dựng chùa vào năm nào, xây lại vào năm 1578, tu sửa nhiều lần vào thế kỷ XVII.
(Trích lục về chùa Quang Minh đăng trên Bulletin de I’ École Francaise, ToMe XXVL – 1926)
Theo Nguyễn Văn Quang dẫn lại của tác giả Tăng Bá Hoành (1999) trong bài viết: Về những viên gạch thời Trần ở Thu Vật (Yên Bái) dùng xây chùa Quang Minh (Hải Dương) in trong tập san Những phát hiện mới về khảo cổ học năm 2003 cho biết: Gần đây Bảo tàng Hải Dương đã khai quật 23m2 và thu được nhiều vật liệu kiến trúc có niên đại từ thời nhà Trần và Lê. Trong số đó đáng chú ý có những viên gạch cỡ lớn được khắc chìm cạnh bên ghi rõ nơi sản xuất, đó là các dòng chữ “Thu Vật huyện, Mộc độc hương” hay “Thu Vật huyện, Tha ẩm hương”. Những người khai quật đã cho rằng đây là gạch sản xuất vào thời Trần, tại huyện Thu Vật, tỉnh Tuyên Quang và được công đức để xây chùa. Tác giả bài báo đã cho rằng chùa Quang Minh được xây dựng từ thời Trần, trùng tu năm 1579, sau đó bị hủy hoại. Năm 2001, được trùng tu lớn. Chùa đã được toàn quyền Đông Dương xếp hạng từ năm 1925.
Theo Từ điển di tích văn hóa Việt Nam trang 577, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, xuất bản năm 1993, trang 108, thì chùa Bóng có từ thời Trần. Tác giả Trang Thanh Hiền trong Cửu phẩm liên hoa trong kiến trúc cổ Việt Nam, Nhà xuất bản Tôn giáo 2006 cho biết: Tháp cửu phẩm của chùa Bóng có từ thời Trần, tôn tạo năm 1620.
Sách Đại Nam thiền uyển kế đăng lược lục quyển hạ, tờ số 7 bản chữ Hán của Sắc tứ đao điệp Phúc Điền Hòa thượng (1784-1863) chép: Độn Tích Quốc sư chùa Hậu Bổng 厚俸遁跡國師 vào danh sách các cao tăng thượng đức thời Trần.
Theo tác giả Vũ Ngọc Khánh trong sách Thành Hoàng làng Việt Nam, Nhà xuất bản Thanh Niên, trang 296 chép Thần tích làng Hồng Lạc, huyện Gia Phúc, phủ Hạ Hồng, tỉnh Hải Dương. Ở địa phương này có một người tên là Lương Khánh vợ là Hoàng Thị Liên. Hai vợ chồng tính tình hiền hậu, lấy nhau lâu mà chỉ có một mụn con gái. Ông bà dốc lòng tu nhân tích đức đi cầu cúng khắp các nơi hằng mong có một người con trai nối dõi. Một hôm đến chùa Hậu Bổng cầu tự chiêm bao thấy thần nhân trao cho một thanh kiếm. Sau đó bà sinh một người con gái nhưng bị mất sớm. Giờ Thìn ngày 10 tháng 6 năm Bính Thìn (1016) tức năm Thuận Thiên thứ 7 đời Lý Thái Tổ bà sinh hạ được một con trai. Người con trai này chính là Đức Đại Vương Đương Cảnh Thành hoàng ấp Tam An huyện Lương Giang (tức là làng An Lạc, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa ngày nay).
Thần tích thần sắc làng Nhiếp Xá, tổng My Động, huyện Thanh Miện, Hải Dương năm 1938 chép: “Vào thời Lý Nhân Tông ở làng An Lạc, huyện Đường Hào (nay là Mĩ Văn – Hưng Yên) có hai vợ chồng lấy nhau mà chưa có con, ông bà bèn đưa nhau đến chùa Quang Minh làng Hậu Bổng, huyện Gia Lộc cầu tự. Quả nhiên sau đó có mang, rồi sinh một người con trai vào ngày 15 tháng 3. Người con trai đó chính là Đức Đại Vương Đương Cảnh Thành hoàng làng Nhiếp Xá, tổng My Động, huyện Thanh Miện, Hải Dương”. Đình làng Nhiếp Xá hiện nay chính là ngôi trường dạy học của vị Thành Hoàng này.
Thần tích làng Kênh Triều xã Thống Kênh huyện Gia Lộc chép 3 vị Thành Hoàng, Thần tích trang Tứ Kỳ (huyện Tứ Kỳ) chép 3 vị Thành Hoàng, Thần tích làng Đạo Phái (Thanh Miện) chép một vị Thành Hoàng, đều là con cầu tự ở chùa Quang Minh làng Hậu Bổng vào giai đoạn cuối thời Hùng Vương.
Sơ bộ qua một số thần tích mới tìm được ở trên có thể thấy chùa Quang Minh nổi tiếng linh thiêng, và có sức ảnh hưởng rộng rãi khắp vùng, đặc biệt là nơi kì đảo sinh ra những người con cầu tự hiền tài. Bậc vua chúa cầu mong triều đại trường tồn, dân sinh hưởng phúc, chính pháp hưng long, tử tôn duệ trí; với sĩ thứ nhân dân thập phương cầu mong bình an giải nàn, con cháu sum vầy, hưởng phúc.
– Các đợt trùng tu chùa
Qua quá trình nghiên cứu từ các văn bia tại chùa và thác bản bi kí như: Tu cấu Viên Quang Khám bi kí, Trùng tu Viên Quang khám tự bi kí, Tu tạo Cửu phẩm liên hoa bi kí, Viên Quang khám thiên đài, và các văn bản thư tịch Hán Nôm có ghi chép liên quan đến trùng tu xây dựng chùa.
Thác bản văn bia lưu tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Tu cấu Viên Quang Khám bi kí kí hiệu 13111, (hiện bia này vẫn còn lưu tại chùa) khắc ngày 1 tháng 5 năm Diên Thành thứ 2 (1579) nhà Mạc. Hoa văn trang trí hình tượng rồng 5 móng do Tiến sĩ khoa Bính Thìn (1556) Công bộ Thị lang Đông các học sỹ Đỗ Uông soạn chép việc: Năm Diên Thành thứ nhất nhà Mạc, (ứng với năm Quang Hưng thứ nhất nhà Lê – Mậu Dần 1578), 輔政應王,時嘗奉侍永府道經于茲,雅愛其勝,乃廠所居于寺側. 以為往來至止之所.方且出金買田,以廣祇園之地,輪材鳩匠,以壯梵王之宮,前後堂宇,並四圍迴廊,及三關門樓,有舊弊者繕構之. 應修理者補葦之. Quan Phụ chính Ứng vương thường qua phủ Vĩnh về hầu vua đi qua đây, mến mộ cảnh này mà dựng vương phủ ở cạnh chùa, làm nơi nghỉ ngơi khi qua lại. Ông liền bỏ tiền tậu ruộng, để mở rộng đất chùa, chọn gỗ gọi thợ, để trang nghiêm chính điện, cùng tiền đường, hậu vũ, bốn mặt hồi lang vây quanh cùng với tam quan lầu các. Chỗ nào cũ nát thì làm mới lại; chỗ nào hư hỏng thì tu bổ lại. Bia đá này được GS Đinh Khắc Thuân đánh giá là có hoa văn đẹp nhất trong các bia đá thời Mạc.
Bia đá Tu tạo tháp cửu phẩm còn lưu tại chùa, thác bản văn bia, kí hiệu 13109, khắc năm Vĩnh Tộ thứ 2 (1620), ngày mùng 1 tháng 6 chép việc tu tạo Tháp Cửu phẩm do Nho sĩ địa phương và vị Đại Quốc Tộ Tăng tự Chân Đạo Hương (nguyên trụ trì chùa) và đệ tử trụ trì chùa khi ấy là Thiền Tăng tự Chân Phúc Hiền soạn. Văn bia ca ngợi chùa cho biết: 粵瞻厚俸之大瓊龕.夫星分照地脈鍾靈.真一簇樓天勝景也 Kìa xem khám ngọc lớn (chùa) của làng Hậu Bổng. Nơi long mạch tụ khí tinh tú chiếu soi, phô ra muôn vẻ của một tòa thắng cảnh. Đồng thời ca ngợi công đức cao dày tựa Nữ Hoàng luyện đá ngũ sắc vá trời của bà Đỗ Thị Ngọc Trân hiệu Nghiêm Từ thuộc dòng dõi “kim chi ngọc diệp” đã đóng góp chính trong việc xây dựng từ những năm Hoằng Định Tân Tỵ tháng Giêng (1617), đến tháng Chạp Vĩnh Tộ Kỷ Mùi (1619) thì hoàn thành. Chùa vẫn lấy tên là Viên Quang Khám 圓光龕.
Mặt sau của văn bia Tu tạo Cửu phẩm liên hoa kí hiệu 13110 còn ghi rõ những người đã phương danh công đức là: Quận Chúa Trịnh Thị Ngọc Quế, Lê Tài, Lê Tiến, Hoàng thân Lê Trụ cùng phu nhân Quận Chúa Trịnh Thị Ngọc Trúc (bà Trúc sau khi Lê Trụ mất, tháng 5 năm 1630 lại lấy vua Lê Thần Tông được phong làm Hoàng Hậu), Phan Thị Ấp, Lê Thị Mỹ, Nham Quận phu nhân Nguyễn Thị Ngọc Quỳnh, Quận phu nhân Võ Thị Ngọc Yến, nam tử Trịnh Đĩnh, […] cùng nhiều quan viên địa phương, trụ trì chùa Tỷ khưu Tăng thích viết Chân Phúc Hiền, Chân Đạo Thái, Tòng Chánh Vương phủ Tăng Thống Nguyễn Tuấn Đức, nguyên trụ trì Chân Đạo Tu, Chân Đạo Hương Thích Chân Đức Đạo cùng các sãi vãi bản tự hợp tập cúng dàng.
Mặt sau văn bia niên hiệu Diên Thành, kí hiệu 13112, khắc năm Mậu Thìn 1628 chép việc Đệ nhất cung tần của chúa Triết Vương Duệ vũ Trịnh Tùng đặc phong Thái Quốc Lão Mai Thị Ngọc Miêu pháp hiệu Minh Tiến tự là Viên Quang Thiện Đức Bồ Tát cúng 30 lạng bạc tu tạo chùa và mua 1 mẫu ruộng hương hỏa. Những người trong phủ Hạ Hồng, làng Hậu Bổng và xung quanh công đức vàng bạc ruộng tiền vào năm Tân Sửu (1601), Mậu Thìn (1628), Tân Mùi (1631). Văn bia còn chép bổ sung riêng phủ Hạ Hồng công đức 2 mẫu 8 sào 5 thước 9 tấc ruộng.
Thác bản trụ Thiên đài 天臺, kí hiệu 13106 -13109, khắc vào ngày mùng 1 tháng 9 năm Vĩnh Trị thứ 4 (1679) chùa vẫn lấy tên là Viên Quang Khám, ghi phương danh các thiện tín cúng dàng chùa gồm tiền và ruộng. Huyện sãi xã Vĩnh Duệ là Nguyễn Ngọc Hoành tự là Phúc Bình, vợ là Nguyễn Thị Ninh, hiệu là Từ Minh, ông bà cầu tự được con trai con gái và công đức một sào ruộng ở xứ Ma Hứa, một mảnh 2 sào 10 thước ở xứ Đồng Lũ, một cuộn vải lụa 10 quan, 2 cây gỗ lim, 1 cây sắc mộc.
Bia đá còn lưu tại chùa khắc: 天啟丁亥永盛叁年柒月穀日 ngày mùng 1 tháng 7 năm Vĩnh Thịnh thứ 3, Đinh Hợi (1707), ghi chép phương danh Hội chủ cúng dàng.
Sách Công Dư tiệp ký (1755) Vũ Phương Đề biên soạn, Lịch triều Hiến chương loại chí, Đại Nam nhất thống chí, Hải Dương phong vật chí, Hải Dương địa dư, Đồng Khánh dư địa chí, đều ghi chép rõ việc Tiến sĩ Nguyễn Tự Cường đi sứ sang Trung Quốc triều Minh hai lần. Nguyễn Tự Cường đã mang nước giếng chùa Quang Minh dâng vua Minh tẩy được vết chữ từ khi mới sinh ra trên vai, vua Minh mừng rỡ ban cho 300 lạng vàng mang về xây lại chùa với 36 tòa nhà nóc sen.
Năm Khải Định thứ 10 (1925), Chùa được công nhận là di tích lịch sử Đông Dương với nhiều hạng mục được ghi chép trích lục cho biết chùa xây dựng lại năm 1578, tu sửa nhiều lần vào thế kỷ XVII.
Qua những dẫn chứng ở trên, mặc dù đã có những nhận định bước đầu về việc xây dựng cũng như quá trình trùng tu, tôn tạo, mở rộng quy mô của chùa. Tuy nhiên, hiện tại cũng chưa thể khẳng định chính xác chùa được xây dựng cụ thể từ khi nào? Mặc dù vậy với sự có mặt của Độn tích Quốc sư và sự hiện diện của tháp Cửu phẩm liên hoa trong chùa (Tháp Cửu phẩm được coi là một bảo khí xứ Đông) chứng tỏ rằng quy mô to lớn và nổi tiếng ngay từ thời Trần.
Hiện một số đồ của chùa còn lưu lại được bao gồm:
– 3 pho tượng Phật đá đầu phục chế, 1 đôi lân đá, 1 đôi miêu đá, 1 voi đá.
– Tượng Tổ Huyền Chân
– 1 pho tượng Đức ông
– Bảo tháp Vĩnh Minh (tục gọi là tháp đá quả lựu an trí xá lợi tổ Huyền Chân), ngày giỗ là từ ngày 14 đến 20 tháng 8 âm lịch.
– phế tích Khám thờ Tổ , phế tích 2 cánh cửa Tam Bảo thời Nguyễn.
– 1 hộp đựng sắc phong thờ Thánh Tổ Huyền Chân.
– Tháp lưu xá lợi Tổ Tẩy, ngày giỗ ngày 20 tháng 8, năm 1935, Tổ Nguyên Sửu khi tái tạo mới đắp chữ Thủy tổ tháp.
– Tháp lưu xá lợi Tổ Đọ (Thanh tịnh tháp) cạnh giếng, giỗ ngày 17 tháng 11.
– Tháp Hương Trạch lưu xá lợi Tổ Thích Nguyên Sửu, xây năm 1936, viên tịch ngày 17 tháng Chạp năm 1946.
– 1 chân tháp phía Đông Nam khuôn viên chùa.
– 1 am mộ bà thủ hộ sau chùa.
– khoảng 20 chân tháp phía Tây khuôn viên.
Trong những năm 1980, khi làm vườn, nhân dân phát hiện tro than của Thiền sư đựng trong bát gốm cạnh cây thị bên phải chùa.
Hiện nay, chùa đã và đang được Sư trụ trì Thích Giác Thành và nhân dân Phật tử, thiện nam tín nữ trong làng, trong xã và ngoài tỉnh đóng góp công sức để trùng tu nhiều hạng mục của chùa như ngôi nhà Tổ, tòa hậu cung bát giác, nhà Mẫu. Chùa nhận được sự phát tâm công đức của các gia đình ông bà Nguyễn Anh Bé, ông bà Phạm Huy Điệp, ông bà Phạm Quốc Bá – Đỗ Thị Hằng Nga, ông bà Nguyễn Tiến Long (Hội chủ Đỗ Thị Lan), […], các dòng họ trong làng, cá nhân và tập thể thập phương cúng dàng. Đặc biệt chùa còn được tập đoàn Thành Công phát tâm xây dựng nhiều hạng mục lớn như sân chùa, đường đi lối lại, bên cạnh đó còn trồng cây tôn tạo cảnh chùa nhằm tôn tạo lại chốn thiền lâm xưa.
- Thiền sư Huyền Chân
Trong văn bản Quang Minh tự sự tích – cổ tích Phật Tổ truyền đăng thực lục 光明寺事跡 古跡佛祖傳燈寔錄 bản chữ Hán lưu tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu A.1546 cho biết: Tháp 永銘寶塔Vĩnh Minh thờ xá lợi: Tổ Ma Ha Sa Môn tên tự là Phổ Giác Hòa thượng, húy Đức, tự Huyền Chân Thích Viên Minh Luật Thiền sư – Hoàng Tông Thánh Tổ, Đương cảnh chúa tể Thành Hoàng đại vương, Trung Quốc đại đế: 永銘寶塔摩訶沙門字普覺和尚, 諱德, 字玄真, 釋圓明律禪師皇宗聖祖當境主宰城隍大王,中國大帝. Người làng Dương Liễu, phủ Kiến Xương, tỉnh Nam Định (nay thuộc thôn Dương Liễu, xã Minh Tân, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình), sinh vào thời Tiền Lê, tu hành và hiển Thánh tại chùa Bóng vào thời Lý”? (Người dân làng Hậu Bổng lệ thường xưa nay kiêng húy chữ Chân – thay bằng tên gọi Cẳng, gọi chân là hông, như nồi chân là nồi hông).
Sách Công Dư tiệp ký của Tiến sĩ Vũ Phương Đề cho biết: Thiền Sư Huyền Chân trụ trì chùa Hậu Bổng. Sau thời gian tu hành giới luật nghiêm túc cả hành thiền lẫn tu theo pháp môn Tịnh Độ, bỗng một hôm nghỉ ở hậu phòng nằm mơ thấy Đức Phật A Di Đà triệu đến chính điện bảo cho Ngài: “Ngươi dày công với Phật sự đã lâu, lòng từ bi của ngươi đã được Phật Tổ thấu hiểu. Vì thế, đến kiếp sau, ngươi sẽ được làm đại đế ở phương Bắc”, sau quả nhiên ứng nghiệm.
Sách Hải Dương phong vật chí, mục nhân vật thiền sư, Lịch triều hiến chương loại chí cũng đều ghi về câu chuyện của nhà sư Huyền Chân chùa Quang Minh (Chùa Quang Minh ở xã Hậu Bổng, huyện Gia Phúc. Tương truyền có nhà sư tên tự là Huyền Chân tu ở đây, ai cũng khen là bậc cao tăng. Đến tuổi già, sư nằm mộng thấy Phật Di Đà giáng xuống bảo rằng: “Nhà ngươi có công với đạo pháp tấm lòng đã đạt tới huyền giám, kiếp sau sẽ được giáng sinh làm vua Trung Quốc”. Đến khi sư hóa, đệ tử theo lời di chúc, lấy son viết 10 chữ vào vai. Sau sứ thần nước ta là Nguyễn Tự Cường sang sứ nhà Minh, vua Hy Tông nhà Minh triệu vào bảo cho biết những chữ ở trên vai mình. Vua cho rằng mình từng là sư ở chùa Quang Minh giáng sinh. Rồi sai về lấy nước giếng ở chùa ấy đem sang rửa, nét chữ mới hết.
Còn văn bản Đại Nam cao tăng truyện大南高僧傳, bản chữ Hán, lưu tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu VHb.313 có ghi chép về Thiền sư Huyền Chân玄真禪師 như sau: 海陽嘉祿縣, 厚俸社有光明寺, 住僧號玄真 xã Hậu Bổng, huyện Gia Lộc, Hải Dương có chùa Quang Minh, Tăng trụ trì tên hiệu Huyền Chân.
Văn bản thần tích xã Hậu Bổng, tổng Hậu Bổng, huyện Gia Lộc, Hải Dương (海陽省嘉祿縣厚俸總厚俸社神蹟), bản chữ Hán lưu tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu AE.A6/12 chép 苾蒭高僧,字玄真,住持于此,誦念佛,不管世間事 利欲都忘.Cao tăng Bật Sô, tên tự là Huyền Chân, trụ trì ở nơi này, chỉ tụng niệm Phật, không quản chuyện thế gian, không màng lợi lộc. Theo Đại Nam nhất thống chí cho biết: “ Xưa Thiền sư Huyền Chân trụ trì ở đây, người ta khen là cao tăng trong thiền uyển. Khi thiền sư tuổi già, mộng thấy Phật Di Đà bảo rằng: “Người có công với Phật giáo đã lâu năm, tấm lòng từ thiện đã được soi xét, kiếp sau sẽ được làm đại đế ở Bắc quốc”. Khi tỉnh dậy, dặn bảo đệ tử rằng: “Sau khi thầy siêu tịch, các con nên dùng son viết mười chữ vào vai là An Nam quốc Quang Minh tự Sa Việt tỉ khâu安南國光明寺沙越比丘”. Đến lúc thiền sư hóa, tăng đồ làm theo lời dặn làm lễ hỏa táng, cấp xá lị trong tháp đá. Đời Lê Hoằng Định, Nguyễn Tự Cường, người xã Tiền Liệt, huyện Vĩnh Lại, phụng mệnh sang sứ Trung Quốc, vua Minh Thế Tông triệu vào triều hỏi rằng: “nhà ngươi có biết chùa Quang Minh ở trong nước không?” Tự Cường tâu là chưa biết. Nhà vua nói: “Lúc trẫm mới sinh ra, trên vai có chữ viết bằng son, dấu vết rõ ràng, có lẽ tiền thân trẫm là sư ở chùa ấy, nay muốn rửa sạch vết chữ ấy thì dùng cách nào?”. Tự Cường tâu rằng: “thần nghe nói nhà Phật có nước công đức để tẩy trần, nếu bệ hạ đã là hậu kiếp của thiền sư chùa ấy, thì nên dùng nước giếng chùa ấy mà rửa”. Nhà vua nói: “khi nhà người trở về nước, nếu dò hỏi được thì lấy tiến dâng”. Tự Cường trở về, đem việc này tấu lên triều đình, nhân đấy, tìm hỏi các châu huyện mới thấy được chùa Quang Minh, đem nước tiến dâng, vua nhà Minh lấy nước ấy rửa, quả nhiên vết chữ tiêu hết. Nhà vua khen thưởng, giao cho 300 lạng vàng đem về sửa chữa chùa quán, để tỏ rõ sự anh linh ở nước Nam. [ ĐNNTC, tr 507- 508]
Sách Đồng khánh dư địa chí cũng ghi: Chùa Quang Minh ở xã Hậu Bổng [tổng Hậu Bổng]. Cây cối nghìn lớp tươi tốt, bốn bề sông xanh sóng biếc, đúng là danh thắng ở chốn rừng Thiền. Xưa, nhà sư Huyền Chân đến trụ trì ở chùa này. Đến khi tuổi già, sư mộng thấy Phật bảo rằng: “Ngươi đã nhiều năm có công với Phạn giáo, thiện tâm soi thấu cõi huyền, kiếp sau ngươi sẽ được làm hoàng đế ở Bắc quốc”. Sư tỉnh mộng, bảo tăng chúng rằng: “Khi ta siêu tịch rồi hãy lấy son viết lên vai ta 10 chữ là “An Nam quốc Quang Minh tự Sa Việt tì khưu” (Tì khưu Sa Việt chùa Quang Minh nước An Nam). Tăng chúng chùa Quang Minh làm đúng theo lời dặn. Khoảng năm Lê Hoằng Định đời Lê (1600-1619), người xã Tiền Liệt là Nguyễn Tự Cường vâng mệnh sang sứ Bắc quốc [Trung Quốc]. Vua Thế Tông nhà Minh triệu kiến, hỏi rằng: “Ngươi có biết chùa Quang Minh bên nước Nam ở vùng nào không?”. Tự Cường đáp: “Thần không biết rõ”. Vua Minh nói: “Trẫm từ khi sinh ra trên vai đã có dòng chữ son, ý chừng kiếp trước của trẫm là nhà sư ở chùa ấy. Nay trẫm muốn rửa cho mất vết chữ ấy đi, không biết phải làm thế nào?”. Tự Cường thưa: “Thần nghe nói nhà Phật có nước công đức (công đức thủy) dùng làm phép tẩy trần. Nhà vua là kiếp sau của vị sư chùa Quang Minh thì nên dùng nước giếng chùa ấy mà rửa thì chắc sẽ hết vết chữ”. Vua Minh nói: “Vậy ngươi hãy trở về múc nước giếng chùa ấy đem sang cho trẫm”. Tự Cường đi sứ về, tâu việc ấy lên, triều đình cho người đi tìm được chùa Quang Minh. Sau đó Tự Cường lại được giao đi sứ, cho lấy nước giếng chùa đưa đi để dâng vua Minh. Vua Minh dùng nước ấy lau rửa, quả nhiên mất hẳn vết chữ trên vai. Vua Minh rất ngợi khen, ban thưởng cho Tự Cường ba trăm lạng vàng đem về nước để tu sửa chùa Quang Minh để tỏ rõ sự linh dị. [ĐKDĐC tr 87]
Theo sách Đại Nam Thiền uyển kế đăng lược lục cho biết: Thiền sư Huyền Hoàng ở chùa Quang Minh và chép lại câu chuyện tương tự như trong Công dư tiệp ký chỉ khác chỗ là khi Nguyễn Tự Cường đi sứ lại gặp vua Khang Hy nhà Thanh, và tên của Thiền sư lại là Huyền Hoàng chúng tôi ngờ rằng văn bản này có nhầm chỗ này, bởi lẽ chữ Chân 真 và chữ hoàng 黃có tự dạng gần giống nhau.
Thần tích làng Hậu Bổng, bản lưu tại Viện TTKHXH, kí hiệu TTTS009496 cho biết: Thánh Tổ Huyền Chân tu hành tại chùa Bóng vào thời Lý, hiển Thánh vào thời Lý Thánh Tông. Vua phong là Linh Ứng Đại Vương. Thời Trần sắc phong Ngài là Linh Ứng Phúc Thiện Đại Vương. Nhà Lê gia phong là Thượng Đẳng Phúc Thần. Triều Nguyễn vua Đồng Khánh phong là Dực Bảo Trung Hưng Tôn Thần; vua Duy Tân phong là Linh Phù Dực Bảo Trung Hưng Tôn Thần; vua Khải Định phong là Đôn Ngưng Tôn Thần.
Về câu chuyện nước giêng thiêng tẩy trần được ghi chép trong Công dư tiệp ký theo quan niệm của nhà Phật tức là nước tám công đức ( bát đức thủy八德水) đầy đủ có tám tính chất như sau: “1. Trừng tịnh: lắng gạn trong sạch; 2. Thanh lãnh: trong trẻo mát lạnh; 3. Cam mỹ: mùi vị ngon ngọt; 4. Khinh nhuyễn: nhẹ nhàng mềm mại; 5. Nhuận trạch: thấm nhuần tươi mát; 6. An hòa: yên ổn hòa nhã; 7. Trừ được đói khát và vô số khổ não; 8. Trưởng dưỡng thân tứ đại, tăng trưởng các thiện căn”. Quang Minh tự sự tích chép người dân vẫn ra lấy nước ở tháp để rửa vết chàm, nốt ruồi cho trẻ sơ sinh. 這塔上圓下方如貳石榴果, 上覆下載內刻深一寸四分, 圓廣約四寸, 積水貳南鉢,四辰不涸, 至今民間初生有朱黑痕取水回洗即去, 至今猶有靈驗). (Tháp này trên tròn dưới vuông như hai quả lựu, bên trên che, bên dưới nâng bên trong khắc sâu 1 thước 4 phân, tròn rộng khoảng 4 tấc, chứa được 2 bát Nam (bát đàn xưa) bốn mùa không cạn, đến nay trẻ sơ sinh trong dân gian có nốt ruồi đỏ, đen thì lấy nước về rửa thì hết, đến nay vẫn còn linh nghiệm).
Theo Thần tích làng Hậu Bổng cho biết việc thờ Ngài trước kia là ở đình và miếu (đình làng vốn trước là ở ngoài bãi còn miếu thì ở trước chính điện của chùa). Hiện nay ở đình còn giữ được câu đối cổ sơn son thếp vàng ở vách hậu cung, trước cung cấm:
Nguyên văn chữ Hán
佛法王靈民沐德
一神兩化五居中
Phiên âm:
Phật pháp vượng linh dân mộc đức,
Nhất thần lưỡng hóa ngũ cư trung.
Dịch nghĩa:
Phật pháp ngự trị cõi tâm linh, nhân dân được nhờ ơn gộị đức,
Là một vị thần hai lần hóa, nơi đâu cũng là chính vị.
Ngoài ra bên giữa đình còn có bức đại tự và câu đối ca ngợi Ngài.
Nguyên văn chữ Hán
佛以見性君以行道神化以儀民三生香火
鄉之禪祖國之靈神天下之盛帝萬古英聲
Phiên âm:
Phật dĩ kiến tính, quân dĩ hành đạo, thần hóa nghi dân, tam sinh hương hỏa,
Hương chi thiền tổ, quốc chi linh thần, thiên hạ chi thịnh thế, vạn cổ anh thanh.
Dịch nghĩa:
Kiến tính ở cửa Phật, hành đạo lúc làm vua, khuôn mẫu cho dân khi làm thần, ba đời hương hỏa,
Là thiền tổ của làng, thần linh của nước, minh quân thiên hạ, muôn thưở tiếng thơm.
Còn việc tế lễ Ngài vào ngày sinh nhật và hóa nhật hiển thánh thì tế riêng ở ngoài miếu, lễ vật bằng cỗ chay. Còn ngày tế lễ chung ở đình hàng năm chỉ có ngày sóc, vọng và tết Nguyên đán. Ngoài ra thì vào ngày 11 tháng giêng thì dân làng có lễ cầu phúc. Về đồ tế lễ thì từ sau ngày cải lương đến nay thì duy chỉ có ngày khánh nhật ở đình mới có xôi gà, tết Nguyên đán cúng chè oản, còn các tuần thượng thì đều dùng hoa quả.
Như vậy, qua một số tư liệu nêu trên có thể hình dung diện mạo chùa Quang Minh và Thiền sư Huyền Chân trong lịch sử và tâm thức người Việt. Vì vậy mà biết bao lần xảy ra binh đao lửa đạn, chùa nhiều lần bị phá hủy nhưng ngay sau đó đều được thập phương thiện tín và nhân dân địa phương phát tâm trùng tu xây dựng. Đó cũng là góp phần không nhỏ trong việc gìn giữ những giá trị lịch sử văn hóa của tiền nhân. Là sợi dây gắn kết đời xưa với đời nay, là vang vọng của mạch nguồn quá khứ, để không phụ những tấm lòng tiền nhân đã gửi vào thiên cổ.
Viên Quang khám khắc tên những người công đức ruộng để trùng tu xây chùa vào năm Vĩnh Trị thứ 4 (1679)
Hình ảnh tháp đá được vẽ lại trong văn bản Quang Minh tự sự tích và hiện vật tháp đá còn lưu tại chùa
Gạch Thu Vật huyện tha ẩm hương và một số tượng vật bằng đá hiện còn lưu tại chùa
Tài liệu tham khảo:
- Quang Minh tự sự tích, bản chữ Hán lưu tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu A.1546
- Đinh Khắc Thuân (Cb) 2009, Địa phương chí tỉnh Hải Dương qua tư liệu Hán Nôm, NXB Khoa học Xã hội, HN.
- Phan Huy Chú (2007), Lịch triều Hiến chương loại chí (tập 1), bản dịch Viện sử học, NXB Giáo Dục, HN.
- Trang Thanh Hiền (2006) Cửu phẩm liên hoa trong kiến trúc cổ Việt Nam, NXB Tôn giáo.
- Ngô Đức Thọ (Cb) Đồng khánh dư địa chí, tỉnh Hải Dương, sách bản điện tử
- Đại Nam Thiền uyển kế đăng lược lục, bản chữ Hán
- Tổng tập văn học Hán Nôm Việt Nam (tập 1), 1997, NXB Thế Giới
- Nguyễn Văn Quang (2003) Về những viên gạch thời Trần ở Thu Vật (Yên Bái) dùng xây chùa Quang Minh (Hải Dương), Những phát hiện mới về khảo cổ học.
- Đại Nam cao tăng truyện 大南高僧傳, bản chữ Hán, lưu tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu VHb.313.
- Thần tích làng Hậu Bổng, bản lưu tại Viện TTKHXH, kí hiệu TTTS009496.
Nguyễn Văn Thinh
Chùa Linh Ứng, thôn Cao Dương, xã Gia Khánh, TT Gia Lộc, Hải Dương
ĐT: 0862055582
(Bài đã đăng tạp chí Xưa & Nay)
Leave a comment