Bài báo khoa học

TÁC PHẨM “NGỰ CHẾ TÀI THÀNH PHỤ TƯỚNG THI TẬP” TRONG KHỐI MỘC BẢN TRIỀU NGUYỄN

Nằm trong hệ thống trước tác đồ sộ của Hoàng đế Thiệu Trị “Ngự chế tài thành phụ tướng thi tập” là một tác phẩm độc đáo, bởi đây là tập thơ thể hiện sự kết hợp giữa thi ca với những triết lý âm dương ngũ hành và kinh dịch. Qua đó, bậc đế vương muốn gửi gắm, kí thác tâm tư, nguyện vọng bản thân để cầu cho quốc thái dân an, phong tục thuần hậu thời trị bình. Xin trân trọng giới thiệu tác phẩm đến bạn đọc.

Ngự chế tài thành phụ tướng thi tập là tập thơ với 200 bài được vua Thiệu Trị sáng tác năm 1847. Văn bản này hiện còn lưu trữ ở Viện Hán Nôm và Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV. Bản ở Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV, kí hiệu H.81 là bản in trực tiếp từ ván khắc Mộc bản.

Nội dung của tập thơ dựa vào thiên can, ngũ thường, ngũ phương để đặt nhan đề. Tập thơ này dùng để lý giải sự biến hóa màu nhiệm của bát quái, thông qua các bài thơ để đoán được lẽ huyền diệu của tạo hóa. Hơn nữa, tập thơ cũng khuyên răn con người nên làm điều thiện. Do vậy, chúng tôi xin giới thiệu thêm một tác phẩm thơ của vị hoàng đế hay chữ bậc nhất triều Nguyễn còn lưu trữ được đến ngày nay.

Mộc bản sách Ngự chế tài thành phụ tướng thi tập

Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV

1. Vài nét về tác phẩm và lịch sử vấn đề nghiên cứu

Ngự chế tài thành phụ tướng thi tập 御制裁成輔相[1]詩集 bao gồm 1 bài Tự Ngự chế, bài Bạt của triều thần Nguyễn Bá Nghi 阮伯儀, Vũ Phạm Khải 武范啟 đều viết vào năm Thiệu Trị 7 (1847). Theo Di sản Hán Nôm thư mục đề yếu cho biết, văn bản này có bản viết[2], gồm 234 tr, khổ 27 x 17cm, kí hiệu A.1404. Đây là tập thơ của Thiệu Trị dựa vào thuyết Ngũ phương và Kinh Dịch, dịch ra các quẻ và đặt thành lời thơ để bói việc lành, việc dữ. Thơ khuyên người đời làm điều thiện, ăn ở phúc đức.

Theo Mộc bản triều Nguyễn đề mục tổng quan: Ngự chế tài thành phụ tướng thi tập, ký hiệu H.81御 製 裁 成 輔 相 詩 集, hiện đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV, Đà Lạt, Sách gồm: 2 quyển, Tổng cộng: 85 tờ, Khổ khuôn in: 18,8 x 28 cm. Nội dung: Thơ của Vua Thiệu Trị, dựa vào Kinh dịch để đưa ra các quẻ và đặt thành lời thơ, dùng để bói toán và khuyên răn người đời. Tác phẩm được bố cục thành hai phần: Tiên thiên và Hậu thiên. H 81/1. Quyển 1: 54 tờ, Phần Tiên thiên: Nội dung: Các bài thơ dựa theo thuyết “Ngũ phương”: Đông, tây, nam, bắc, trung và nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. H 81/2. Quyển 2: 31 tờ, Phần Hậu thiên: Nội dung: Các bài thơ theo các quẻ kết hợp giữa ngũ phương và thập can (Đông giáp, Đông ất, …), kết hợp giữa ngũ luân và thập can.

Dương Quảng Hàm trong Việt Nam văn học sử yếu, khi nghiên cứu về vua Thiệu Trị mặc dù có thống kê những trước tác về thơ Ngự chế của Thiệu Trị, tuy nhiên ông lại không đề cập đến văn bản này.

Quốc thư thủ sách國書守冊hiện đang lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm ký hiệu A. 2601, quyển thượng mục Ngự chế thư, phần thống kê những văn bản ngự chế thơ của vua Thiệu Trị không thấy ghi chép văn bản này.

Theo Đại Nam thực lục cho biết: “Đời gần đây, có người làm các bài thơ để xem bói rút thẻ, thường ở trước chỗ thờ thần, xóc ống thẻ, thấy đầu thẻ thò lên thì rút ra. Vua trông thấy, mỉm cười rằng: “Bói toán có thần, là vì không nghĩ ngợi gì, không làm gì. Xóc ống thẻ mà thẻ vọt ra, là có sức người ở đó rồi. Đã có sức người thì không thiêng liêng, làm sao cho thông suốt những cơ vi mầu nhiệm được ?”. Bèn chế ra 2 quả thiên cầu, chữ đỏ, chữ trắng đều một quả, trên quả cầu khắc 10 can 5 thường(1) và 5 phương, cộng 20 chữ, để yên trong cái hộp. Nhân ngoài giờ coi việc, đêm ngự điện Đông Các, lần lượt cố gắng làm các bài thơ. Sai quan ở Nội các là bọn Nguyễn Cửu Trường, Vũ Phạm Khải viết ra, được 200 bài thơ, chia làm 2 quyển, gọi là Tiên thiên, Hậu thiên, đều 100 chương, định làm phép xem bói: có việc thì đặt hương án, bưng cái hộp để quả thiên cầu, mật đảo 3 lần, rồi mở hộp ra xem, những chữ đỏ chữ trắng ứng thế nào, thì lấy cái chỗ thuộc vào thiên nào chương nào mà xem; suy can chi làm quẻ biến đi, lại thành 400 quẻ để mà châm chước. Bảo các quan Nội các rằng: “Ta làm các bài thơ này, xuất ư tự nhiên, chưa từng có tìm ý tứ, các ngươi đã thân thấy đó. Nếu tất phải cầu kỳ một câu khéo, một chữ lạ, thì đều do người làm ra, không gọi là thần được. Người xem bói nếu sẵn có lòng thành để cầu, có thành thì có thần, muôn lần cầu thì muôn lần ứng, đừng cho là thơ nói phiếm, chỉ sợ đoán không rõ mà thôi”. Sách chép thơ ấy làm xong, nhan đề là “Ngự chế Tài thành Phụ tướng, Tiên thiên, Hậu thiên thi tập”. (Quốc sử quán, tập 6, 2007, tr 1051).

[Bản gốc Đại Nam thực lục quyển 70, tờ 18, sách in trong tập 14, nhà xuất bản The Institute of Cultural and Liguistic Studies Keio University慶應義塾大学言語文化研究所].

Đại Nam thực lục, tập 7 cũng cho biết về việc khắc in các tập thơ văn của hoàng đế Thiệu Trị, trong đó có bộ tài thành phụ tướng: “Các tập thi văn ngự chế khắc đã xong (văn 2 tập, thơ tập thứ 3, thứ 4, 2 tập, hoàng huấn 9 thiên, thơ vũ công, thơ vịnh đế vương các đời, thể cách và phép làm thơ đời xưa đời nay, thơ tài thành phụ tướng), kính dâng bày kế, rồi đem ban cấp cho hoàng thân, đình thần và nơi nhà học giảng tập”. (Quốc sử quán,  tập 7, 2007, tr 87).

Căn cứ vào hiện trạng văn bản A.1404, phần cuối sách có 1 bài bạt của đình thần. Theo ghi chép của Đại Nam thực lục, sau khi sách làm xong vua Thiệu Trị cho làm bài bạt để ở cuối sách. Vua lại bảo Nội các rằng: “Các tập thơ văn ngự chế, đều đã có biểu chép ở đầu quyển, duy có tập thơ Phụ tướng Tài thành tiên thiên hậu thiên, chuẩn cho các ngươi làm bài “bạt” chép ở cuối sách để cho phân biệt”. (Quốc sử quán, 2007, tập 6, tr 1068)

Bài bạt của sách được in trong Đại Nam thực lục.

“Trộm nghe: bói toán không có sách nào cổ hơn Kinh Dịch, tượng số toàn theo về trời. Đồ tiên thiên trước từ Phục Hy mà quẻ liệt ra từng vị. Đồ hậu thiên trước từ Văn vương mà quẻ biến thông đi. Có Hệ từ để đoán tốt xấu, tỏ những điều gì nên theo, điều gì nên tránh, thì lại là tinh ý của Văn vương, Chu Công, Khổng Tử : hoặc nhân tượng để lập nghĩa, hoặc nguyên đạo để dẫn trước cho dân. Mà Thoán truyện thì lời nói phần nhiều hợp vần, thế là đã gần như thơ rồi. Vả lại, từ vô cực trở về trước, âm hàm hỗn với dương, hai nghi gây ra là dương phân chia với âm. Người sinh ra mà tĩnh là tính của trời, cảm mọi vật mà động, là cái dục vọng của tính. Đạo Kinh Dịch sinh ra ở chỗ động tĩnh. Cốt yếu đến chỗ theo đường tốt mà tránh đường xấu. Đạo Kinh Thi gốc ở tính tình, cốt yếu đến chỗ khuyên người làm thiện mà răn người làm ác. Thánh nhân ở trong thiên hạ, muôn sự muôn vật gặp chỗ nào cũng là thơ, tức là muôn sự muôn vật ở trong thiên hạ đều có thể làm được Kinh Dịch. Nhân Kinh Dịch để hợp với Kinh Thi, do Kinh Thi để rõ nghĩa Kinh Dịch, làm việc gì cũng đời đời làm đạo cho thiên hạ, nói điều nào cũng đời đời làm khuôn phép cho thiên hạ, nếu không phải bậc rất tinh vi rất sâu xa, thì ai được như thế ?

Hoàng thượng ta : nhiều tài trời cho, thể mạnh như trời đi, hợp cả tâm nguyện của Hi, Văn, trọng đạo giáo của Chu, Khổng, sáng kiến do tự trí mình hợp với cơ vi mầu nhiệm, lấy quả thiên cầu thay cho cỏ thi, lấy màu đỏ màu trắng làm trước sau, đặt ra quẻ thì dựa vào số âm dương, xem biến tượng vào số lẻ số chẵn, mười can ở trời, năm phương ở đất, ngũ thường ở người, tham khảo mà đặt ra từng hàng, tóm lại mà bày lại, tức là đạo Kinh Dịch gồm cả 3 tài, mà 3 tài cùng một năm hành, năm hành cùng một âm dương đó. Số trời đất bắt đầu từ số 1, rồi sau đến số 10, 10 số mười tích lại mà sinh ra số 100. 1 thường sinh ra 2 mà thành 200, 200 lại thành 400. Cái ngày xem bói cùng biến đi cùng sinh ra, tức là Dịch có hối có trinh, một quẻ có thể biến làm 64 quẻ, 64 quẻ có thể biến làm 4.096 quẻ. Còn lời xem nói thì Kinh Dịch có lời quẻ, có lời hào  có truyện Thoán, có truyện Tượng. Sách này thì rút gọn lại làm tuyệt cú 7 chữ. Một quẻ hệ lấy 1 chương, thuộc về tiên thiên gồm 100 chương, thuộc về hậu thiên gồm 100 chương, lấy tiếng và vần để hạn tiết, lấy : âm luật để hợp vào, tức là lấy chính giáo của Kinh Thi làm lời trong quẻ của Kinh Dịch, lấy vịnh ca của Kinh Thi làm bói toán của Kinh Dịch, lấy nghĩa rất sâu, dùng chữ rất lạ, ý thì xa mà lời văn hoa. Lấy 3 cực  muôn việc làm kinh kỷ, làm then máy cho lễ, nhạc, hình, chính, chỉ đường xu hướng cho sĩ, nông, công, thương, cùng cửu lưu trăm vật giao thác thành chương, thể tính tình trong Kinh Thi, hết biến thông của lẽ Kinh Dịch. Mong cho người xem bói giữ mình và lòng trong sạch, đem cái lòng hỏi Kinh Dịch mà cầu, thì quả thiên cầu có hay bày ra từng quẻ, nghiễm nhiên như những cái thẻ bằng cỏ thi, xem đến lời quẻ lấy ý mà đón chí, lấy phép nói Kinh Thi để thông đi thì những câu thơ xem bói rõ là một lời “Hào” trong Kinh Dịch, thần minh mà suy xét thêm ra, để xem việc được, việc hỏng, để phân biện quẻ tốt, quẻ xấu, để phát minh nghĩa tinh vi của tạo hoá, để sánh với công hoá dục của trời đất, là ở chỗ đó chăng ? Lời “Văn ngôn” ở quẻ Kiền có nói rằng : “Này, bậc đại nhân cùng hợp đức với trời đất, cùng hợp sáng với mặt trời, mặt trăng, hợp tiết tự với bốn mùa, hợp tốt xấu với quỷ thần, trước trời mà trời không trái, sau trời mà vâng theo thời trời ; trời còn không trái huống chi đối với người ? Huống chi đối với quỷ thần ?”. “Đại tượng” quẻ “Thái” nói : “Đất trời là tượng quẻ Thái, những vị vua chúa dùng tượng quẻ ấy để sửa sang đạo trời đất, giúp những việc chính đáng của trời đất, để giúp đỡ dân”. Thánh nhân ở hai quẻ Kiền và Thái trong Kinh Dịch phát minh ra hai nghĩa lớn ấy, vì tất phải có đức như quẻ Kiền, rồi sau mới họp cả tiên thiên và hậu thiên làm đại thành, lại có thời như quẻ Thái, rồi sau có thể hợp cả công việc sửa sang giúp đỡ vào đạo trung.

“Hoàng thượng ta lấy đức thánh nhân, được thời thánh nhân, thể theo quẻ Kiền, suy xét đến quẻ Thái, vốn từ trong dân, để dạy cho đời. Vả lại, ở trong tập này, lời lẽ mầu nhiệm, nghĩa lý uyên thâm, ngầm để bảo người, quẻ hệ lấy tiên thiên hậu thiên, tên gọi là “Tài thành phụ tướng”, ngước thấy thánh nhân ký hứng sâu và mầu nhiệm xa và to lớn, tiến lên xem tập thơ Thiên cơ dự triệu của thánh chế, đạo và lý cùng liên lạc phối hợp với nhau, không còn phải ngờ nữa. Đạo lý ấy đều ở trong Kinh Dịch, đã được phát minh rất lớn”.

Tờ tấu dâng lên, vua khen là phải. Tức thì sai lục giao để khắc rồi in đính vào cuối tập. (Quốc sử quán, tập 6, 2007, tr.1068-1069).

Theo Nguyễn Thị Phương trong “Tư liệu hán nôm liên quan đến Thừa Thiên – Huế tại kho tư liệu viện nghiên cứu hán nôm”, tạp chí Hán Nôm số 2 (15) 1993, thì Ngự chế tài thành phụ tướng thi tập A.1404 gồm 100 bài thơ[3] dựa theo Kinh Dịch, định ra các quẻ làm thành thơ để xem bói, xem lành dữ, các bài thơ với ngụ ý khen người làm việc thiện.

Qua nghiên cứu văn bản học Ngự chế tài thành phụ tướng thi tập A.1404, có cấu trúc gồm: 1 lời tựa đề紹治七年八月初一, ngày 1 tháng 8 năm Thiệu Trị thứ 7 (1846). Tiếp đến là mục lục, chính văn của quyển tiên thiên và quyển hậu thiên. Cuối cùng là bài bạt của bề tôi gồm阮伯儀 Nguyễn Bá Nghi, 阮久長  Nguyễn Cửu Trường, 武范啟 Vũ Phạm Khải, 枚英俊 Mai Anh Tuấn, 阮文超 Nguyễn Văn Siêu, 申文燮 Thân Văn Tiếp. Ngoài ra các đại thần vâng mệnh san khắc ban hành là Binh bộ thượng thư Nguyễn Đăng Khải, khảo hiệu là Hàn lâm viện kiểm thảo khắc Nội các ti luân sở hành tẩu Phan Văn Khả, Đằng lục là Hàn lâm viện Dương Văn Du.

Trong bài tựa đầu sách vua Thiệu Trị viết: 按近代有製掣簽詩集因見其搖簽不無用心誠有人力特, 何以達玄微之機者乎?爰於幾餘偶題詩章得二百首, 分為二卷先天後天名一百章, 又刻天球二子紅字白字名一球, 上刻十干, 五常, 五方二十字, 安置於盒中蓋之。人不見其文字次第無以著意。凡有事設案安排先後天二書於神佛之前。捧天求球盒叩首密禱 輾轉三番 , 置案上開盒看先以紅字球, 次白字球, 如紅字球應在甲, 白字球應在東即是甲東屬先天書第一章, 倘紅字球應在東,白字球應在甲即東甲屬後天書東甲第一章。將此詩看騐再以所占之日先天書以天干, 後天書以地支, 推干支為變卦又成四百卦 以參酌. 於然有誠有神, 萬祈萬應. 若無知俗學以為戲事安能以達神明, 勿謂詩之浪說, 只恐斷不明耳.

“Xét rằng đời gần đây, người ta có làm các bài thơ để xem bói rút thẻ. [Ta] nhân thấy đã dụng tâm xóc ống thẻ thì thành thực là có sức người ở đó rồi, làm sao cho thông suốt những cơ vi mầu nhiệm được? [Ta] bèn ngẫu hứng làm được 200 bài thơ, chia làm 2 quyển tiên thiên, hậu thiên, mỗi quyển 100 bài, lại khắc 2 quả thiên cầu, chữ đỏ, chữ trắng đều một quả, trên quả cầu khắc 10 can 5 thường và 5 phương, cộng 20 chữ, để yên trong cái hộp đậy nó lại. Người không thấy các chữ ấy theo thứ tự thì không để ý gì. Phàm có việc thì đặt hương án, bày hai quyển sách tiên thiên, hậu thiên ở trước thần phật. Bưng cái hộp để quả thiên cầu, cúi vái thầm khấn, làm như thế ba lần, đặt lên trên bàn rồi mở hộp ra xem, xem quyển tiên thiên quả cầu chữ đỏ, tiếp theo hậu thiên quả cầu chữ trắng, nếu như quả cầu chữ đỏ ứng tại giáp, quả cầu chữ trắng ứng ở đông tức là giáp đông, thuộc vào phần sách tiên thiên chương 1, nếu như quả cầu chữ đỏ ứng tại đông, quả cầu chữ trắng ứng với giáp tức là đông giáp thuộc sách hậu thiên chương 1. Những bài thơ này xem lại phần tiên thiên lấy thiên can, hậu thiên lấy địa chi, phối hợp theo can chi làm quẻ biến hóa, lại thành 400 quẻ để mà châm chước. Theo lẽ tự nhiên, có thành thực mới có thần, muôn lần cầu thì muôn lần ứng. Nếu như những kẻ học tầm thường chẳng biết gì mà cho đó là chuyện đùa, thì làm sao có thể thông đạt được thần minh. Đừng cho là thơ nói phiếm, chỉ sợ đoán không rõ mà thôi”.

2. Giá trị nội dung của Ngự chế tài thành phụ tướng thi tập

Theo lời vua Thiệu Trị thì: “Ta làm các bài thơ này, xuất ư tự nhiên, chưa từng có tìm ý tứ, các ngươi đã thân thấy đó. Nếu tất phải cầu kỳ một câu khéo, một chữ lạ, thì đều do người làm ra, không gọi là thần được. Người xem bói nếu sẵn có lòng thành để cầu, có thành thì có thần, muôn lần cầu thì muôn lần ứng, đừng cho là thơ nói phiếm, chỉ sợ đoán không rõ mà thôi”. (Quốc sử quán, 2007, tr 1051).

Như vậy, trong 200 bài thơ được khắc in trong 2 quyển tiên thiên và hậu thiên, mỗi một bài thơ là tương ứng 1 quẻ tùy vào ngày giờ mà quẻ đó biến đổi khôn lường. Mỗi một bài thơ/quẻ nếu xem vào các ngày khác nhau sẽ biến hóa ra quẻ khác. Điều này đã được chú thích bên cạnh mỗi bài thơ/quẻ.

Mặc dù là xuất phát từ tự nhiên, nhưng qua việc vua Thiệu Trị đã dụng công để lựa chọn tiêu đề cho mỗi bài thơ, lại sử dụng phương hướng, ngũ thường, can chi để kết hợp nên thơ và quẻ thì thật vi diệu. Vì mỗi bài thơ tương ứng với 1 quẻ nên khi bốc được quẻ nào cần phải giải nghĩa rõ ràng. Đoán được ý nghĩa, do đó để hiểu được quẻ không phải chuyện đơn giản, như lời vua nói “chỉ sợ đoán không rõ mà thôi”. (Quốc sử quán, 2007, tr 1051).

Hơn nữa theo lời bài bạt của đình thần ở cuối sách có nói: “nội dung và ý nghĩa của mỗi bài thơ lại ở trong tập này, lời lẽ mầu nhiệm, nghĩa lý uyên thâm, ngầm để bảo người”. Nói như vậy để biết rằng để hiểu được nội dung và ý nghĩa của mỗi bài thơ thực sự không phải ngày một ngày hai. Hơn nữa, với 200 bài thơ tùy thời để đoán, lại có sự biến hóa khôn lường trong đó.

Trong bài viết này, chúng tôi cũng cung cấp một số bài thơ cả chữ Hán, phiên âm, tạm dịch nghĩa, hy vọng sau này sẽ có nhiều nhà nghiên cứu quan tâm giải mã.

第一甲東            Đệ nhất giáp đông[4]

三才定位四時行Tam tài định vị[5] tứ thời hành,

物則民彝大道明Vật tắc dân di đại đạo minh.

作善降祥多獲慶Tác thiện giáng tường đa hoạch khánh,

萬祈萬應事皆成Vạn kì vạn ứng sự giai thành.

Dịch nghĩa:

Ba tài trời, đất, người có chỗ đứng nhất đinh, bốn mùa vần xoay,

Vật có nguyên tắc, người có luân thường, đạo lớn theo đó mà sáng tỏ.

Làm điều thiện được giáng điềm lành, gặt hái nhiều may mắn,

Muôn cầu tất muôn ứng mọi sự đều thành công.

Dịch thơ theo nguyên thể:

Ba ngôi đúng chỗ, bốn mùa vòng

Lẽ vật phép người đạo lớn thông

Làm thiện điềm lành may mắn đến

Muôn cầu muôn ứng việc đều xong

Lê Nguyễn Lưu dịch thơ.

第二甲西          Đệ nhị giáp tây

吾道昭昭貫兩間Ngô đạo chiêu chiêu quán lưỡng gian

居仁由義則安閒Cư nhân do nghĩa[6] tắc an nhàn.

天增福祿年增壽Thiên tăng phúc lộc niên tăng thọ,

日晉康彊秩晉班Nhật tấn khang cường trật tấn ban.

Dịch nghĩa:

Đạo của ta sang tỏ bao trùm khắp trời đất,

Sống ở đức nhân, noi theo đường nghĩa thì được an nhàn.

Trời tăng thêm phúc lộc, năm tăng thêm tuổi thọ,

Ngày càng tăng sức khỏe, tước trật được ban phát.

Tạm dịch theo nguyên thể:

Đạo lí sáng trưng trùm vũ trụ

Ở nhân theo nghĩa ắt an nhàn

Trời thêm phúc lộc người thêm tuổi

Sức khỏe dồi dào tước trật ban

Lê Nguyễn Lưu dịch thơ.

第三甲南         Đệ tam giáp nam

孝忠為寶古來今Hiếu trung vi bảo cổ lai kim,

事事何須問淺深Sự sự hà tu vấn thiển thâm.

積善自然終獲慶Tích thiện tự nhiên chung hoạch khánh,

也知天理在人心Dã tri thiên lí tại nhân tâm.

Dịch nghĩa:

Trung hiếu là điều quý giá từ xưa đến nay,

Mọi việc hà tất phải hỏi độ nông sâu.

Chứa điều thiện, tự nhiên cuối cùng sẽ thu được niềm vui,

Cũng biết rằng lẽ trời cốt ở tại lòng người.

Tạm dịch theo nguyên thể

Xưa nay trung hiếu quý nhất đời

Muôn việc cần chi hỏi thẳm khơi

Chứa thiện rốt cùng may mắn đến

Lẽ trời mới biết ở lòng người

Lê Nguyễn Lưu dịch thơ.

第十二乙西         Đệ thập nhị ất tây

乾開坤闔著成文Càn khai khôn hạp trước thành văn,

否泰毫釐內外分Bĩ Thái hào li nội ngoại phân.

福善禍淫人自取Phúc thiện họa dâm[7] nhân tự thủ,

慇懃慎重勸于君  Ân cần thận trọng khuyến vu quân.

Dịch nghĩa:

Quẻ Càn mở ra, quẻ Khôn đóng lại ghi chép thành lời văn,

Quẻ Thái quẻ Bĩ phân chia chi li bên trong bên ngoài.

Làm điều thiện nhận được phúc, làm điều ác người tự chuốc lấy họa,

Ân cần khuyên anh nên thận trọng.

Tạm dịch theo nguyên thể:

Càn khôn mở khép chép thành bài

Quẻ Thái bên trong, Bỉ ở ngoài

Thiện phúc ác trừng người tự chuốc

Phải nên thận trọng khá khuyên ai.

Lê Nguyễn Lưu dịch.

第八甲禮             Đệ bát giáp lễ

富貴風流弗自由Phú quý phong lưu phất tự do,

只當耕鑿本何憂Chỉ đương canh tạc bổn hà ưu.

路逢險處操持穩Lộ phùng hiểm xứ tháo trì ổn,

轉得功名不足求Chuyển đắc công danh bất túc cầu.

Dịch nghĩa:

Phú quý phong lưu chẳng phải là thứ có thể tha hồ lấy,

Chỉ đảm đương việc cày cấy thì vốn chẳng lo gì.

Trên đường đi gặp nơi hiểm yếu biết giữ thân sẽ yên ổn,

Công danh là thứ sẽ chẳng cầu mà được..

Tạm dịch theo nguyên thể:

Giàu có phong lưu dễ được đâu

Cấy cày gắng gỏi khỏi lo âu

Giữ mình cho ổn đường gian hiểm

Vận hội công danh lọ phải cầu

Lê Nguyễn Lưu dịch thơ.

第十一乙東       Đệ thập nhất ất đông

貞下起元正好逢Trinh hạ khởi nguyên chính hảo phùng,

龍雲契會喜情濃Long vân khế hội hỉ tình nùng.

掀天當可施才力Hiên thiên đương khả thi tài lực,

拯濟蒼生雨露從Chửng tế thương sinh vũ lộ tùng.

Dịch nghĩa:

Trinh xuống dưới, nguyên nổi lên chính là lúc gặp điều tốt,

Rồng mây gặp hội, nỗi vui mừng thêm nồng nàn.

Chấn động trời đáng để thi thố tài năng,

Cứu vớt chúng sinh ơn mưa móc từ đó mà đến.

Dịch thơ theo nguyên thể:

Trinh xuống từ nguyên vận tốt thay

Mừng sao nay gặp hội rồng mây

Tung trời đang thủa đua tài sức

Cứu vớt dân đen ơn nước đầy

Lê Nguyễn Lưu dịch thơ.

第十四 乙北       Đệ thập tứ ất bắc

行船騎馬兩皆猜Hành thuyền kị mã lưỡng giai sai,

空手難求得道財Không thủ nan cầu đắc đạo tài.

徒讀家書癡弗學Đồ độc gia thư si phất học,

良田萬頃付塵埃Lương điền vạn khoảnh phó trần ai.

Dịch nghĩa:

Đi thuyền cưỡi ngựa cả hai đều ngờ,

Tay không khó tìm được chính đạo và của cải.

Học trò đọc sách, ngu si thì không học,

Ruộng tốt muôn khoảnh phó mặc bụi trần.

Dịch thơ theo nguyên thể:

Đi thuyền cỡi ngựa khốn hòa hai

Tay trắng tìm đâu đạo với tài

Trò đọc sách nhà ngu chẳng học

Nghìn khoảnh ruộng tốt mặc trần ai

Lê Nguyễn Lưu dịch thơ.

第十七乙義          Đệ thập thất ất nghĩa

春花秋月世常稱Xuân hoa thu nguyệt thế thường xưng,

好得時宜好不勝Hảo đắc thời nghi hảo bất thăng.

爭奈無情雲鎖暗Tranh nại vô tình vân tỏa ám,

偏愁急雨打飄騰Thiên sầu cấp vũ đả phiêu đằng.

Dịch nghĩa:

Người đời thường gọi hoa mùa xuân trăng sáng mùa thu,

Được thời thuận lợi không gì tốt hơn.

Ngặt nỗi đám mây vô tình đã chen kín làm cho u ám,

Nỗi buồn rầu mưa lớn gió xua đi nhanh.

Tạm dịch theo nguyên thể:

Xuân hoa người bảo sánh thu trăng

Thời tiết ôn hòa chi thích bằng

Ngặt nỗi vô tinh mây chắn tối

Buồn thêm mưa lũ gió thêm hăng

Lê Nguyễn Lưu dịch thơ.

第二十七丙義    Đệ nhị thập thất bính nghĩa

六冲三合辦分明Lục xung tam hợp biện phân minh,

總是由天宿債成Tổng thị do thiên túc trái thành.

舉案齊眉真罕得Cử án tề mi[8] chân hãn đắc,

關關唱和百年聲Quan quan[9] xướng họa bách niên thanh.

Dịch nghĩa:

Sáu điều xung ba điều hợp phân chia rõ ràng,

Tất cả do trời mắc nợ nên duyên.

Thật hiếm có được vợ chồng kính nhau như khách,

Cùng nhau xướng họa quan thư tiếng trăm năm..

Dịch thơ theo nguyên thể:

Sáu xung ba hợp biệt rành rành

Ấy bởi trời xui nợ trước thành

Nâng án ngang mày không có mấy

Quan quan tiếng hót kết duyên lành

Lê Nguyễn Lưu dịch thơ.

第三十五丁中Đệ tam thập ngũ đinh trung

東西南北四天維Đông Tây Nam Bắc từ thiên duy,

春夏秋冬四序時Xuân hạ thu đông tứ tự thì.

可向生方生旺節Khả hướng sinh phương sinh vượng tiết,

事求必遂物皆宜Sự cầu tất toại vật giai nghi.

Dịch nghĩa:

Đông, tây, nam, bắc bốn phương trời,

Xuân, hạ, thu, đông bốn mùa theo.

Hướng đến nơi sống sinh ra khí tiết thịnh vượng,

Việc cầu tất được muôn vật đều hòa hợp.

Tạm dịch thơ theo nguyên thể:

Đông Tây Nam Bắc trời bốn phía

Xuân hạ thu đông tiết tư mùa

Hướng tới nơi sinh nhuần khí vượng

Việc cầu ắt thỏa, vật đều hòa

Lê Nguyễn Lưu dịch thơ.

第三十八丁禮         Đệ tam thập bát đinh lễ

也覺今年勝昔年Dã giác kim niên thắng tích niên,

生涯咸樂太平天Sinh nhai hàm lạc thái bình thiên.

只由不學孫山外Chỉ do bất học Tôn Sơn ngoại[10],

退可思惟進不前Thoái khả tư duy tiến bất tiền.

Dịch nghĩa:

Cũng cảm thấy năm nay hơn hẳn năm xưa,

Cuộc đời đều vui vẻ sống trong cảnh đất nước thái bình.

Chỉ là vì không học nên phải đứng ở sau Tôn Sơn,

Tiến lên không được thì nghĩ lui có thể được.

Tạm dịch thơ theo nguyên thể:

Cũng biết năm nay hơn năm trước

Làm ăn vui vẻ nước thanh bình

Học theo chẳng kịp Tôn Sơn được

Nghĩ tiến không xong, lui khỏe mình

Lê Nguyễn Lưu dịch thơ.

Qua quá trình nghiên cứu văn bản học, chúng tôi mong muốn giới thiệu những nét độc đáo của tác phẩm Ngự chế tài thành phụ tướng thi tập hiện còn lưu trữ được tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV đến bạn đọc./.

Chú thích:
[1] 象曰:天地交,泰。后以裁成天地之道,辅相天地之宜,以左右民. (Tượng viết: thiên địa giao, Thái. Hậu dĩ tài thành thiên địa chi đạo, phụ tướng thiên địa chi nghi, dĩ tả hữu dân). Trời đất giao nhau là quẻ thái, ông vua coi mà sửa nên đạo của trời đất, giúp tập sự nên phải của trời đất, để đỡ đần dân. (Ngô Tất Tố dịch và chú giải).
[2] Qua nghiên cứu đối chiếu với bản khắc từ ván in mộc bản ở Trung tâm lưu trữ Quốc gia IV ở Đà Lạt, chúng tôi cho rằng bản ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm cũng là bản khắc in, không phải bản chép tay.
(1) Tức ngũ thường : nhân, nghĩa, lễ, trí, tín.
[3] Tuy nhiên khi nghiên cứu khảo sát thực tế, văn bản này có tổng cộng 200 bài thơ được chia ở quyển tiên thiên 100 bài, hậu thiên 100 bài.
[4] Theo nguyên chú: ngày giáp (theo lịch cũ thì mỗi tuần có một ngày) xem thì thuần là giáp. Ngày ất xem thì âm mộc biến giáp nhân. Ngày bính xem mộc sinh hỏa biến giáp nam. Ngày đinh xem âm hỏa biến giáp lễ. ngày mậu xem dương thổ biến giáp trung. Ngày kỉ xem âm thổ biến giáp tín. Ngày canh xem dương kim biến giáp tây. Ngày tân xem âm kim biến giáp nghĩa. Ngày nhâm xem dương thủy biến giáp bắc. ngày quý xem âm thủy biến giáp trí. Sau này tất cả sự biến đổi của quẻ đều đoán theo như thế.
[5] Tam tài: ba ngôi vị cao quý nhất trong vũ trụ là Thiên – Địa – Nhân (Trời – Đất – Người), tham gia vào sự vận hành của vũ trụ vạn vật..
[6] Cư nhân do nghĩa: sách Mạnh Tử, quyển 7, Tận tâm chương cú thượng: Con vua nước Tề là Điếm hỏi Mạnh Tử rắng nếu kẻ sĩ không làm quan thì làm việc gì, Mạnh Tử đáp “nhân nghĩa nhi dĩ hĩ” (chỉ có àm nhân nghĩa mà thôi vậy” và thầy giải thích: 居惡在仁也路惡在義是居仁由大人之事备矣Cư ô tại? Nhân thị dã. Lộ ô tại? Nghĩa thị dã. Cư nhâ,n do nghĩa, đại nhân chi sự bị hĩ ([Kẻ sĩ] ở nơi nào? Ở nơi đức nhân vậy. Kẻ sĩ đi đường nào? Đi đường nghĩa vậy. Ở nơi đức nhân, noi theo đức nghĩa, [dù không làm quan] sự nghiệp của bậc đại nhân cũng đủ rồi vậy)
[7] Sách 尚書Thượng thư, quyển 3 商書 Thương thư, bài 湯誥Thang cáo: 夏 王 滅 德 作 威 敷 虐 于 爾 萬 方 百 姓 …天道福善禍淫 降灾于夏 以彰厥罪 (Thượng thư, Thang cáo: Hạ vương diệt đức tác uy, dĩ phu ngược vu nhĩ vạn phương bách tính… Thiên đạo phúc thiện họa dâm, giáng tai vu Hạ, dĩ chương quyết tội: (Vua nhà Hạ [Trụ vương] diệt đức tác oai, ngược đãi trăm họ muôn phương các ngươi… Đạo trời ban phúc cho người thiện, gieo họa cho kẻ dâm, giáng tai cho nhà Hạ, nhằm làm rõ tội nhà này). (Theo Trần Lê Sáng – Phạm Kỳ Nam dịch chú, (2004), Khổng Tử, Kinh Thư, Nxb Văn hóa Thông tin, 2004, tr. 264).
[8] Cử án tề mi: nâng mâm ngang mày, chỉ thái độ cung kính của vợ đối với chồng theo lễ giáo ngày xưa (án: cái mâm đựng thức ăn thời cổ, hình chữ nhật, như cái khay, có chân). Theo Hán thư (sách lịch sử thời nhà Hán), Lương Hồng là một cao sĩ rất được người trong xứ kính phục, nhưng vẫn chưa lấy vợ vì chưa tìm được ai vừa ý. Nghe nói làng bên có một cô gái tuy không xinh đẹp nhưng ăn ở giản dị, chăm chỉ làm việc, Hồng tìm đến thăm thấy quả đúng như vậy, bèn hỏi cưới về làm vợ. Sau ngày cưới, tân nhân bỗng thay đổi, mặc toàn lụa là, cài toàn trâm ngọc thoa vàng, tô son điểm phẩn mà trể nải công việc. Hồng thấy thế, chẳng nói chẳng rằng, nhưng suốt mấy ngày không nhìn mặt vợ. Nàng biết ý, nói với chồng: “Thiếp thử chàng đấy thôi, chứ thật ra lòng thiếp không muốn vậy”. Rồi nàng thay lụa là, mặc vải thô, bỏ trâm ngọc, cài thoa gai, chăm việc đan dệt, chăn nuôi trong nhà. Bấy giờ Hồng mới vui vẻ khen ngợi vợ, đặt cho nàng mĩ danh Mạnh Quang. Nàng cũng hết sức kính trọng chồng, mỗi lần đưa thức ăn cho chồng, hai tay bưng khay nâng lên ngang mày trước mặt chồng rồi mới đặt xuống bàn, theo đạo lí vợ chồng kính nhau như khách của xã hội cổ.
[9] Quan quan xướng họa: Quan quan là tiếng chim trống và chim mái loài thư cưu xướng họa nhau, chỉ duyên vợ chồng hòa hợp.
[10] Tôn Sơn ngoại: thời nhà Tống có một tài tử tên gọi là Tôn Sơn, ông ta là người phong thái u nhã, lại giỏi ăn nói, rất khéo pha trò cười, vì đó mà ông có biệt hiệu là tài tử trò cười. Có một lần ông ta nhận sự ủy thác của đồng hương mang theo người con của đồng hương đi tham gia thi cử. Lúc yết bảng vàng, tên của Tôn Sơn đứng cuối cùng trên bảng, mà đứa con của người đồng hương lại rớt bảng. Sau này Tôn Sơn tự mình về quê nhà, người đồng hương đến trước anh ta hỏi con trai đậu hay không, Tôn Sơn không nỡ trực tiếp nói rõ, lại cũng không tiện giấu giếm, bèn nói: “người đậu cuối cùng là Tôn Sơn, hiền lang lại ở ngoài Tôn Sơn”. “Giải danh” là thi đỗ công danh, nơi này ý chỉ là danh sách thi đỗ. Ý của ông là người đỗ cuối cùng là Tôn Sơn tôi, mà tên của lệnh lang xếp sau tôi. Tôn Sơn là người đỗ cuối cùng trên bảng vàng, Tôn Sơn ngoại tức là chỉ không đỗ. [Theo http://www.cmiyu.com/day/31618.html].

Tài liệu tham khảo:

[1]. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, bản dịch năm 2007, tập 6, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

[2]. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, bản dịch năm 2007, tập 7, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

[3]. Ngô Tất Tố, dịch và chú giải (1995), Kinh dịch, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh.

[4]. Thiệu Trị, Ngự chế tài thành phụ tướng thi tập, kí hiệu H.81, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV.

[5]. Thiệu Trị, Ngự chế tài thành phụ tướng thi tập, kí hiệu A. 1404, Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

[6]. Khổng Tử, Kinh Thư, Trần Lê Sáng- Phạm Kỳ Nam dịch chú (2004), Nxb Văn hóa Thông tin).

Nguyễn Huy Khuyến

Leave a comment

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Related Articles

Trung tâm Tư liệu Phật giáo Việt Nam chỉnh lý tư liệu tại chùa Đồng Đắc ( Kim Liên Tự )

Trung tâm Tư liệu Phật giáo Việt Nam chỉnh lý tư liệu...

BÀN VỀ TÁC GIẢ BỘ SÁCH NGỰ CHẾ THIÊN CƠ DỰ TRIỆU THI

Ngự chế thiên cơ dự triệu thi là bộ ngự chế của...

MỘT SỐ HÌNH ẢNH TƯỢNG PHẬT THÍCH CA SƠ SINH TRONG KINH SÁCH HÁN NÔM

  Trong kinh sách xưa, hình ảnh Đức Phật Thích Ca sơ...